“Thương mại quốc tế góp phần giải phóng tiềm năng của Việt Nam”

“Thương mại quốc tế đã tạo cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiếp cận được với các thị trường quốc tế mà còn có thể tận dụng công nghệ và ý tưởng từ các nước khác."
Hội thảo “Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,” ngày 15/6. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

“Thương mại quốc tế đã tạo cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiếp cận được với các thị trường quốc tế mà còn có thể tận dụng công nghệ và ý tưởng từ các nước khác. Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn, thương mại chính là một tiêu chuẩn so sánh mà qua đó ta có thể đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt nam đồng thời đây cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong Nhà nước, giải phóng hoàn toàn tiềm năng tự nhiên của Việt Nam.”

Phát biểu tại hội thảo về "Nắm bắt cơ hội của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới," bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới nhấn mạnh, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu – EVFTA) dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm.

Theo kết quả tính toán sơ bộ từ nhóm nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, TPP có thể góp phần làm cho thu nhập của Việt Nam gia tăng thêm 8% vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4% nữa.

Tuy nhiên, bà này cũng cho rằng, các hiệp định trên cũng đưa đến những thách thức đáng kể và nếu Việt Nam không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi thế này sẽ dần bị bỏ lỡ, bởi vấn đề cốt lõi trong khai thác hiệp định thương mại chính là khâu thực hiện.

Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh đã cung cấp những thông tin về tiến trình phê chuẩn của các nước tham gia TPP. Đối với Việt Nam, trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê chuẩn Hiệp định TPP, ngày 28/4.

“Tiếp đến hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan hoàn tất Tờ trình phê chuẩn Hiệp định TPP lên Thủ tướng ký để trình Chủ tịch nước theo quy định pháp Luật,” ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết tình hình phê chuẩn Hiệp định EVFTA, sau khi kết thúc đàm phán vào tháng 11/2015, hai bên đang tiến hành ra soát pháp lý Hiệp định và dự kiến sẽ tiến hành ký kết trong năm nay.

Song trên thực tế, để tiếp cận các cam kết cũng như hiểu rõ chính xác các điều kiện, thách thức đối với các doanh nghiệp là không dễ dàng, khi mà nội dung trong các hiệp định là rất phức tạp, ngôn ngữ hàm lâm, rất nhiều thỏa hiệp.

Trong khi, các cơ quan chức năng trong nước mới chỉ công bố những bản tóm tắt rất ngắn về EVFTA, hay tóm tắt mang tính chính sách một vài chương của TPP.

Trước thực trạng này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với các hiệp hội chuyên ngành xuất bản cuốn tóm lược TPP, song các hướng dẫn về các lĩnh vực trong TPP thì đến nay là chưa có.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, hiện còn khá nhiều điều cản trở doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ hiệp định TPP, EVFTA.

“Hai yếu tố cản trở lớn nhất là thông tin cam kết và thực thi từ phía các cơ quan Nhà nước. Thêm vào đó, chính các doanh nghiệp cũng nhận thức rất rõ về năng lực cạnh tranh của mình, có tới 78% doanh nghiệp cho rằng năng lực của họ thấp hơn so với đối thủ,” ông Lộc nói.

Mặc dù áp lực hội nhập kề cận, song doanh nghiệp trong nước vẫn gặp phải nhiều yếu tố gây cản trở đến năng lực sản xuất của họ. Theo ông Lộc, đó là yếu tố liên quan đến chính sách về thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, chính sách lương. Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp (trong đàm phán, tiếp cận thị trường, công nghệ…) cũng là vấn đề cần phải cải thiện.

Kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích sự phát triển từ khu vực kinh tế tư nhân, bà Phạm Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương cho rằng, cần thiết phải phân định rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường; Cơ chế, chính sách hữu hiệu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp); Cơ chế, chính sách tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường cho doanh nghiệp…/.

Tiến trình phê chuẩn của Việt Nam tham gia vào TPP
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục