Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với quy mô dân số 95 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập Internet cao là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng năm 2020 này, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng lên tới 13 tỷ USD.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2019, thị trường thương mại điện tử Việt Nam liên tục chứng kiến sự ra đi của những tên tuổi như Adayroi hay Lotte.vn nhưng không vì thế, sức hút ở lĩnh vực này kém đi.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Trong khi đó, Sách Trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành đã chỉ ra rằng mức tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Đặc biệt, vai trò của thương mại điện tử cũng dần trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018.
Ngoài ra, hàng loạt các trang thương mại điện tử Việt Nam như Sendo, Tiki vừa qua cũng liên tục gọi vốn lớn và thị trường cũng ghi nhận thành tích về những chỉ số ấn tượng của các trang thương mại điện tử này.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ có mức tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Đáng lưu ý, năm 2019 Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam.
Chương trình này đã thu hút hơn 11,9 triệu lượt tương tác trên toàn hệ thống, 35.000 lượt tải ứng dụng di động, 1,6 triệu lượt quét mã QR tham gia các chương trình trúng thưởng, qua đó, tạo niềm tin và giúp người dân ứng dụng thuận tiện các tiện ích của thương mại điện tử trong nền kinh tế số cũng như nâng cao vị trí của hàng Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, quảng bá trên môi trường trực tuyến.
Giới chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam đang xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới; đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang trong nền kinh tế số và lĩnh vực thương mại điện tử có triển vọng tiến xa hơn.
[Tập đoàn Vingroup chính thức công bố rút khỏi lĩnh vực bán lẻ]
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng lĩnh vực thương mại điện tử còn bộc lộ nhiều hạn chế như hạ tầng, chất lượng và thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ.
Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy có tới 40% khách hàng mua hàng trực tuyến chưa hài lòng về việc vận chuyển, giao hàng. Hơn nữa, các cơ chế quản lý chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, nhất là các mô hình dựa trên công nghệ số.
Mặt khác, việc xuất hiện các hình thái tổ chức hoạt động kinh doanh mới chưa được điều chỉnh bởi khuôn khổ pháp lý hiện hành đòi hỏi sự đồng bộ hóa giữa các văn bản pháp quy và sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý thuộc những lĩnh vực khác nhau.
Đa dạng giải pháp
Lý giải về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng với tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet như hiện nay, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Ngoài ra, việc loại hình kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng nở rộ và được người tiêu dùng hưởng ứng cũng gây khó khăn cho các nhà quản lý. Bởi lẽ, các đối tượng bán hàng chỉ thiết lập các gian trên mạng Facebook mà hoàn toàn không cần cửa hàng hay kho chứa nên khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng hay gặp sự cố thì rất khó xác định đối tượng để xử phạt.
Không những thế, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý còn yếu, chưa theo kịp với tốc độ và thủ đoạn của đối tượng kinh doanh online...
Nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thời gian qua, Bộ Công Thương đã tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon.
Việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, tạo ra bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên toàn thế giới.
Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện thể chế và triển khai các giải pháp toàn diện nhằm xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế tạo điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các nhóm mặt hàng nhạy cảm với sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm 2020 này, Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc loại bỏ thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các mô hình kinh doanh mới và quản lý thương mại xuyên biên giới.
Mặt khác, Bộ nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm trên môi trường điện tử.
Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển thương mại điện tử theo chiều sâu đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong phát triển ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đa dạng hóa việc tiếp nhận phản ánh, tố cáo về hàng giả, hàng nhái, nhất là phản ánh trực tuyến thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn); triển khai giải pháp tổng thể thí điểm quốc gia về quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và website, hỗ trợ cho các lực lượng quản lý thị trường có công cụ tra cứu và xử lý tranh chấp, phản ánh các vi phạm về hàng giả; kiểm soát được dòng lưu chuyển của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và phát triển một số hạ tầng liên quan bao gồm hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia với nền tảng hỗ trợ dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Cùng đó, Bộ xây dựng trung tâm thanh toán đảm bảo tích hợp giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử, tích hợp các dịch vụ trung gian thanh toán; giải pháp thanh toán trả sau tại các điểm giao dịch.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử giữa nhà trường và doanh nghiệp, cộng đồng cũng như đào tạo kiến thức, kỹ năng, tư vấn lộ trình về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp để thương mại điện tử phát triển bền vững./.