Thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường quốc tế và tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả này được thể hiện qua số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra và doanh thu của các đối tác tăng cả chục lần trong vòng 5 năm gần đây.
Một loạt các kết quả khả quan nêu trên đã được phân tích tại Hội nghị thương mại điện Xuyên biên giới với chủ để: “Tinh hoa hàng Việt cất cánh toàn cầu,” do Công ty Amazon Global Selling Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/5, tại Hà Nội.
Thành công từ kết nối thương mại toàn cầu
Trong những năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các nền tảng thương mại điện tử đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee của Singapore.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có 20 năm tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm chế biến thương mại gỗ hàng đầu thế giới.
Cụ thể, trong nhóm sản phẩm gỗ nội, ngoại thất Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Riêng 4 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 801 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu gỗ để chế biến và tạo giá trị gia tăng và nhập khẩu tăng 26,4%,” ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Tuy có những bước phát triển như vậy, song ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém, khó khăn và thách thức thời gian tới. Cụ thể là doanh nghiệp tham gia chế biến thương mại gỗ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thức sản xuất chủ yếu là gia công theo những mẫu mã, đơn hàng đến từ những nhà nhập khẩu bên ngoài, do vậy giá trị gia tăng còn hạn chế…
“Việc thúc đẩy Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh trong ngành công nghiệp gỗ và các ngành hàng khác và việc tận dụng những lợi thế mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại, ngành gỗ được Amazon đánh giá là ngành hàng nằm trong tốp đầu sử dụng thương mại điện tử có hiệu quả và có doanh thu bán hàng trên nền tảng này thuộc tốp đầu của Việt Nam,” ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ.
Với ngành dệt may, mặc dù thương mại điện tử đi vào hướng trực tiếp với người tiêu dùng và sản lượng thường nhỏ lẻ, nhưng đây là một trong phương tiện nhanh nhất với người tiêu dùng cũng như giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ, dệt may cũng là 1 trong 5 ngành có kết quả thương mại điện tử xuyên biên giới khá tốt. Thống kê qua 4 tháng đầu năm 2024, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thông qua Amazon, sản phẩm dệt may sẽ đến với các khách hàng trực tiếp và qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới này cũng khẳng định vị trí của sản phẩm dệt may Việt Nam bằng giá cả, cạnh tranh, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, do đó hiệp hội mong muốn Amazon giúp doanh nghiệp thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, công đoạn cần phải thay đổi nhằm từng bước nâng cao trong chuỗi giá trị, từ đó đạt nhiều thành công hơn qua thương mại điện tử,” ông Trương Văn Cẩm nêu ý kiến.
Nâng cao sự hiện diện trực tuyến toàn cầu
Thực tế cho thấy, không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp vừa nhỏ với sự “tiếp sức” của thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở toang cánh cửa để doanh nghiệp đưa thương hiệu ra thế giới.
Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CVI Pharma chia sẻ, trước đây doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới từ xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và không đủ nguồn lực để làm việc đó, thì hiện nay doanh nghiệp có cơ hội nhanh chóng và dễ dàng, với một chi phí thấp và có cơ hội để bán sản phẩm của mình đến các khách hàng nước ngoài, trong khi những thủ tục pháp lý… kể cả nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử phục vụ công tác bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đều được phía Amazon hỗ trợ.
“Thời điểm này là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp chuyển đổi việc bán hàng đa kênh, xuất khẩu trực tiếp ra thế giới, vì vậy khi tham gia sân chơi này doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường…,” ông Phan Văn Hiệu nói.
Đánh giá hiệu quả của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Gijae Song, Giám đốc Điều hành, Amazon Global Selling Việt Nam thông tin, chỉ trong vòng 5 năm gần đây (từ 2019-2023), số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300%.
Cùng đó, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gần 10 lần và số lượng đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tăng hơn 300%...
“Nếu doanh nghiệp tự đơn phương tìm hiểu về một thị trường sẽ mất đến vài năm. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thì con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể,” đại diện Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.
Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng Số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với nhiều doanh nghiệp khu vực phía Bắc, bởi nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; Thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; Các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn hạn chế.
Để hóa giải những bất cập này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) cho biết bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa các sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Chuyển đổi Số; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên Sàn Việt và các nền tảng Số.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia Chương trình đào tạo về phát triển thương mại điện tử có thể đăng ký với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để có thể được hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng chuyên sâu để có thể tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới một cách thuận lợi nhất.
“Trung tâm phát triển Thương mại điện tử cũng được giao phối hợp với phía Amazon Global Selling để tổ chức các khóa học đào tạo các doanh nghiệp có nhu cầu để làm sao có hành trang tốt nhất khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng Amazon, trên cơ sở đó doanh nghiệp có thể nắm bắt và tiếp cận các cơ hội, các nhà nhập khẩu từ các bạn hàng để tăng được kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới,” ông Nguyễn Văn Thành thông tin thêm./.