Thương mại điện tử: Khách hàng bị "chăn" ở mọi nơi, mọi lúc

Amazon.com và tập đoàn tiêu dùng Procter & Gamble (Mỹ) đã bắt đầu một chiến dịch tiếp thị có tên Stall Mall, với các bảng quảng cáo sản phẩm được dán ở phía sau cánh cửa toilet.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa với nhiều kết nối tiện ích thì khoảng cách địa lý hay thời gian đã không còn là rào cản quá lớn đối với các “tín đồ” mua sắm.

Một số dịch vụ mua sắm còn có thể mang lại sự tiện lợi “tận răng," đến mức gây kinh ngạc.

Công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal đã công bố một nghiên cứu cho thấy có đến 15% số người được hỏi cho biết họ đã từng thực hiện mua sắm trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng khi đang ở trong… toilet.

Một nghiên cứu khác của hãng sản xuất giấy vệ sinh Charmin cũng cho thấy có đến 1/3 số người được hỏi đã “kết hợp” thời gian ở trong toilet để check email, đọc sách hay mua sắm…

Kết quả nghiên cứu trên được xem là một phát hiện mới và dường như đã mang đến cho các hãng bán lẻ những ý tưởng độc đáo về kinh doanh.

Tháng 12/2014, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến là Amazon.com và tập đoàn tiêu dùng Procter & Gamble (Mỹ) đã bắt đầu một chiến dịch tiếp thị có tên Stall Mall, với các bảng quảng cáo sản phẩm được dán ở phía sau cánh cửa toilet, cho phép người tiêu dùng đặt mua sản phẩm đó bằng cách sử dụng ứng dụng Amazon trên di động để quét mã vạch trên bảng quảng cáo đó.

Thậm chí, người mua còn được giảm giá nếu sử dụng dịch vụ. Hiện chiến dịch tiếp thị này đã được triển khai tại các thành phố New York, Los Angeles, Philadelphia và Seattle của Mỹ.

Các bảng quảng cáo sản phẩm được dán ở phía sau cánh cửa toilet.

Yory Wurmser, chuyên gia phân tích về hoạt động bán lẻ tại công ty nghiên cứu thị trường eMarketer chia sẻ rằng “người tiêu dùng luôn được kết nối qua điện thoại, do đó việc tiếp cận được họ trong một vài phút rảnh rỗi có ý nghĩa lớn."

Puneet Mehta, Giám đốc điều hành của công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tiếp thị sản phẩm di động MobileROI tại New York, cho hay nhiều hãng bán lẻ thậm chí còn đang xem xét khả năng sử dụng cảm biến điện thoại để xác định xem người dùng đang đứng yên hay di chuyển, đang đứng, ngồi, lái xe, đi bộ hay đang ngủ... để từ đó cung cấp những dịch vụ phù hợp.

Ví dụ, nếu biết bạn đang đứng yên một chỗ thì họ có thể cung cấp cho bạn dịch vụ thanh toán với chỉ một thao tác.

Tuy nhiên, Yory Wurmser lưu ý rằng các nhà cung cấp dịch vụ cần phải phân biệt ranh giới giữa “tận dụng cơ hội” và “tôn trọng sự riêng tư” của người tiêu dùng.

Một thách thức khác là đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể thao tác một cách chính xác trên màn hình cảm ứng nhỏ mà không dẫn đến những giao dịch ngoài ý muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục