Thương mại, dịch vụ Thành phố Hồ Chí Minh trên đà phục hồi nhanh

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố đang trên đà phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại sau khi dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, người dân quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, thích nghi với tình hình dịch mới đã góp phần cải thiện sức mua trên thị trường.

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng

Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều khởi sắc trở lại sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3 với doanh thu ngành du lịch trên địa bàn trong tháng này tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, mức giảm chủ yếu tập trung ở nhóm ngành dịch vụ do lộ trình mở cửa hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 diễn ra vào những tháng đầu năm 2022 như dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, du lịch...

Ngoài ra, do một số nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi... dẫn đến sức mua chưa đạt như kỳ vọng. Theo đó, dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi những hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.

Đánh giá về hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong quý 1/2022, các chương trình kích cầu, bình ổn giá của thành phố cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn đang được duy trì hiệu quả, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt hàng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt, bước qua tháng 3/2022, doanh thu của hầu như các nhóm ngành hàng đều tăng so với tháng trước.

Trong số đó, có thể kể đến các nhóm ngành hàng có tốc độ tăng mạnh như doanh thu ô tô các loại tăng 26,7% do các đơn vị kinh doanh đẩy mạnh các 16 chính sách ưu đãi nhằm thu hút người tiêu dùng.

Hay ngành gỗ và vật liệu xây dựng tăng 25,1%, bên cạnh nguyên nhân do nhu cầu thị trường tăng cao, nhiều công trình bắt đầu khởi động sau ngay Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và sau thời gian tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dự báo dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Hơn thế nữa, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu sắc, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước sẽ diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.

[TP.HCM: Giá hàng tiêu dùng chịu tác động mạnh từ biến động nguồn cung]

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng được các chuyên gia dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ vào những cải tiến vượt bậc, nhất là dưới áp lực chuyển đổi số từ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.

Chiến lược phục vụ mua sắm trực tuyến

Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến, ngành chuyển phát nhanh cũng là một trong những ngành được đánh giá sẽ có nhiều phát triển tích cực khi bước vào năm 2022 và góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ kéo sức mua tăng trên thị trường.

Dự báo về xu thị trường trong tương lai gần, các chuyên gia chỉ ra rằng, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang hiện đại, trong đó có chuyển phát nhanh.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng đã xác định chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành chuyển phát nhanh tận dụng thời cơ và tiếp tục khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chuyển phát nhanh đang không ngừng đầu tư phát triển hệ thống, nâng cao năng lực vận chuyển.

Điển hình, Thương hiệu J&T Express-Giao hàng chuyển phát nhanh đã không chỉ sở hữu cơ sở hạ tầng gồm 1.900 bưu cục và điểm nhận hàng trên khắp 63 tỉnh thành, mà còn ứng dụng các công nghệ hiện đại, tự động hóa vào hoạt động vận hành. J&T Express đã trở thành đối tác được nhiều sàn thương mại điện tử, cùng hàng nghìn đơn vị kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện tại, J&T Express đang đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Trung tâm này, được ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh và quy trình xử lý tự động.

Nhờ đó, hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại mỗi ngày sẽ được xử lý với độ chính xác cao và thời gian nhanh chóng. Hành trình giao hàng được số hóa và cập nhật liên tục, dễ theo dõi trên cả website lẫn ứng dụng. Điều này giúp khách hàng, đối tác và shipper có thể tương tác trực tiếp và giải quyết đơn hàng một cách hiệu quả, nhanh chóng.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, tại Hội nghị "Tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 và Định hướng hoạt động năm 2022," Ban lãnh đạo Saigon Co.op tập trung nguồn lực để cách tân nội tại ở tất cả hoạt động vận hành. Đồng thời, xem đây là mục tiêu quan trọng để tạo nền tảng tăng tốc trong năm 2022 và các năm tiếp theo của Saigon Co.op.

Để đạt được mục tiêu trên, Saigon Co.op triển khai chiến lược phát triển mạng lưới mô hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại... trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư; đồng thời kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán hoạt động không hiệu quả ở tất cả mô hình.

Riêng đối với nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh năm 2022, Saigon Co.op tập trung số hóa-điện toán hóa; tinh chuyển và chấn chỉnh các hoạt động kho bãi, logistics; phát triển thương mại điện tử...

Cùng quan điểm, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc sinh Group cho hay, qua kinh nghiệm quản trị và vận hành doanh nghiệp cho thấy đầu tư đội ngũ công nghệ thông tin để kết nối công nghệ với nguồn nhân lực nội bộ phục vụ quản trị là vấn đề quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay; trong đó, có doanh nghiệp bán lẻ và xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, những đơn vị sản xuất, kinh doanh trong ngành thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu... dịch bệnh hay chiến tranh cũng không thể rời thị trường nên doanh nghiệp cần có nền tảng quản trị và quy mô hiện đại, đáp ứng được yêu cầu linh hoạt trong điều kiện biến động thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục