Là một tỉnh miền núi biên giới với hơn 231km đường biên giáp với Quảng Tây (Trung Quốc), trong thời kỳ kinh tế hội nhập, Lạng Sơn luôn xác định rõ phát triển thương mại biên giới với Quảng Tây (Trung Quốc) là kinh tế động lực, thúc đẩy kinh tế Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững.
Đây cũng là chủ trương của Lạng Sơn từ nhiều năm qua, và thực tế mục tiêu phát triển này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả cho tỉnh.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Trong thời gian vừa qua, hoạt động thương mại biên giới của Lạng Sơn tương đối phát triển, đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực vùng biên giới và đóng góp lớn cho kinh tế địa phương.
Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, trong hai năm (2012-2013) trở lại đây, hoạt động xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại dưới các hình thức khác luôn được tỉnh Lạng Sơn quan tâm chú trọng và đã đạt được những kết quả tốt, hiệu quả cao.
Cụ thể, năm 2012 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD, trong đó lần đầu tiên ở địa bàn Lạng Sơn đã có sự chuyển dịch cán cân thương mại, tức là kim ngạch xuất khẩu đã vượt kim ngạch nhập khẩu.
Trong năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn duy trì ở mức ổn định và tiếp tục tăng trưởng và đạt 2,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu chiếm 56% đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,19 tỷ USD, tăng 17,1%. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm tinh bột sắn, hoa quả, các sản phẩm nông sản... các mặt hàng nhập khẩu gồm ôtô, linh kiện ôtô, thiết bị máy móc, hóa chất, nguyên liệu phục vụ sản xuất...
Ông Hải khẳng định hiệu quả mà hoạt động thương mại biên giới đem lại chính là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng đã cơ bản đáp ứng phục vụ đời sống của dân cư khu vực biên giới. Nếu như trước đây các khu vực này đi lại khó khăn thì nay hệ thống giao thông đã thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế cũng rất rõ rệt thông qua tăng thu ngân sách trên địa bàn. Cụ thể, năm 2013, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 3.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 800 tỷ đồng còn lại thu qua hoạt động xuất nhập khẩu.
Đây là nguồn thu ngân sách quan trọng, ổn định trong nhiều năm, tạo điều kiện cho Lạng Sơn phát triển kinh tế trong các lĩnh vực khác.
Tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua phí và lệ phí vào bến bãi cửa khẩu trong năm qua đạt hiệu quả lớn. Thông qua nguồn ngân sách, địa phương đã tái đầu tư về cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới và cũng là điều kiện để tạo việc làm cho bà con khu vực biên giới.
Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị chủ yếu là hàng nhập khẩu chính ngạch như ôtô, phụ tùng ôtô... còn lại hàng hóa xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa Hải quan Lạng Sơn đã đưa ra phương châm “Làm hết việc trong ngày chứ không làm hết thời gian trong ngày,” do vậy hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu không bị tồn đọng từ ngày này qua ngày khác, tạo tâm lý thoải mái cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hải quan Lạng Sơn còn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp tại chỗ, hạn chế không để phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Trong năm 2013 Hải quan Lạng Sơn đã phối hợp với các ngành liên quan thường xuyển tổ chức các buổi gặp mặt các doanh nghiệp để trao đổi, tháo gỡ khó khăn... nhờ vậy cửa khẩu Hữu Nghị đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đây làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Đầu tư cơ sở hạ tầng điểm nhấn quan trọng
Từ quan điểm nhất quán coi thương mại biên giới là động lực cho sự phát triển, tỉnh Lạng Sơn đã luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng mời gọi các doanh nghiệp đến với Lạng Sơn để đầu tư và phát triển kinh doanh; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khu vực cửa khẩu như bến bãi, kho tàng, đường giao thông và các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.
Mặc dù vậy, trong quá trình phát triển các hoạt động thương mại biên giới, Lạng Sơn vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Trước hết, cơ sở hạ tầng các khu cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu và cặp chợ biên giới của Lạng Sơn đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Hải, so với tiềm năng thì Lạng Sơn cần điều chỉnh cho phù hợp để hoạt động thương mại biên giới với Trung Quốc, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay thì chưa có liệu pháp nào để thay đổi nhanh cơ sở hạ tầng để đạt mức tương xứng với Trung Quốc. Do vậy, nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới. Chẳng hạn, đầu tư xây dựng bến bãi, kho chứa hàng... tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần được sự quan tâm đặc biệt về đầu tư cơ sở hạ tầng các khu vực cửa khẩu, hệ thống giao thông, chú trọng là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, ga Đồng Đăng, khu trung chuyển hàng hóa Việt Nam-ASEAN-Trung Quốc thuộc khu hành lang kinh tế biên giới Đồng Đăng, Lạng Sơn... cần sớm được triển khai thực hiện để cụ thể hóa chủ trương hợp tác và phát triển kinh tế thương mại Lạng Sơn-Quảng Tây trong phát triển hành lang kinh tế Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng.
Ngoài ra, một hạn chế khác trong hoạt động thương mại biên giới, trong cơ chế chính sách hiện nay chúng ta chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hoạt động theo thông lệ, quy định, quy chuẩn và hoạt động thương mại biên giới.
Chính vì vậy, cần có sự phân định rõ hoạt động thương mại biên giới và thông lệ quốc tế. Bên cạnh việc trao đổi hàng hóa thì việc đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển thị trường cũng cần phải được chú trọng.
Trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp địa phương thời gian gần đây có sự chuyển biến rõ rệt trong việc tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá thị trường.
Trong năm 2014 Lạng Sơn sẽ tổ chức các hội chợ luân phiên tại Lạng Sơn và Bằng Tường, đây là cơ hội tốt để nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác.
Với mục tiêu tạo ra sự thông thoáng lớn trong quá trình lưu thông hàng hóa, mới đây Lạng Sơn đã thực hiện việc tất cả hàng hóa xuất khẩu đều miễn kiểm tra tại khu vực cửa khẩu, được doanh nghiệp ủng hộ, lưu lượng hàng hóa đến Lạng Sơn xuất khẩu tăng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2014 Lạng Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; chú trọng công tác đầu tư xây dựng chợ theo kế hoạch, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đến Lạng Sơn sản xuất kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu; tạo môi trường thông thoáng trong lưu thông hàng hóa xuất khẩu, cải tiến các thủ tục thông quan.
Mục tiêu 2014 mà Lạng Sơn đề ra là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,558 tỷ USD, tăng 0,8% so với năm 2013. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 1,143 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu 1,415 tỷ USD./.