Thương hiệu thời trang Hà Lan ra mắt sản phẩm áo len dệt từ tóc người

Human Material Loop, một công ty startup tại Hà Lan, đã đặt mục tiêu thay đổi ngành công nghiệp thời trang bằng việc tận dụng tóc người thành vải, dệt nên các sản phẩm áo khoác, jumper, blazer.

Chiếc áo len dệt từ tóc người. (Ảnh: CNN)
Chiếc áo len dệt từ tóc người. (Ảnh: CNN)

Sợi len và sợi tóc của con người có nhiều điểm chung. Hai thứ này không chỉ giúp giữ nhiệt cho cơ thể mà còn cùng có thành phần là protein keratin.

Human Material Loop, một công ty startup tại Hà Lan, đã đặt mục tiêu thay đổi ngành công nghiệp thời trang bằng việc tận dụng các sợi tóc thành vải dệt.

Cho đến nay, thương hiệu này đã hoàn thành các nguyên mẫu áo khoác, jumper (áo dài tay làm từ len) và áo blazer bằng chất liệu tóc người - với hy vọng một ngày nào đó, các doanh nghiệp sẽ mua những cuộn “vải tóc” để sử dụng cho các bộ thiết kế.

Nhà đồng sáng lập Zsofia Kollar chia sẻ từ lâu đã bị “mê hoặc” với việc phát tiềm năng của tóc thành một loại vải. “Chúng ta quan tâm, chăm sóc kỹ mái tóc của mình, nhưng một khi tóc đã được cắt, con người lại cảm thấy hơi ghê với những sợi tóc đó,” cô nói.

Cứ mỗi phút, các tiệm salon ở Mỹ và Canada thải ra khoảng 397kg tóc bỏ đi. Khi tóc gãy rụng ở trong môi trường thiếu oxy, chẳng hạn như trong túi rác, sẽ thải ra khí nhà kính và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Theo Human Material Loop, mỗi năm có khoảng 72 triệu kg tóc rụng của con người thải ra các bãi rác ở châu Âu, tương đương với trọng lượng của 7 tòa tháp Eiffel.

Kollar cho biết: “Đó là một nguồn chất thải lớn và hiện chưa có giải pháp nào.” Hầu hết các quốc gia đều xử lý tóc bỏ đi bằng việc đốt hoặc các giải pháp không thân thiện với môi trường.

nhuom soi toc.PNG
Những sợi tóc được se lại và nhuộm màu trước khi dệt. (Ảnh: CNN)

So với các chất liệu thông thường, việc sử dụng tóc để dệt áo len không có nhiều sự khác biệt. Những sợi tóc ngắn, riêng rẽ được se lại với nhau thành sợi, sau đó được nhuộm bằng bột màu nguyên chất.

“Khi tăng quy mô sản xuất, doanh nghiệp có thể lựa chọn nhuộm ‘sợi tóc’ hoặc ‘vải tóc,’ tùy thuộc vào cách nào hiệu quả nhất,” Kollar bổ sung thêm.

Sản phẩm đầu tiên của Human Material Loop là một chiếc áo len có kết cấu và cảm giác tương tự áo len truyền thống. “Tôi cần tạo ra một sản phẩm mà khách hàng có thể dễ dàng nhận biết, và chiếc áo jumper là một trong những nguyên mẫu khả thi và dễ hình dung nhất.”

Kể từ đó, nhãn hàng đã cho ra các mẫu mã khác, bao gồm áo khoác ngoài trời nhồi tóc giữ nhiệt. Sản phẩm này được thử nghiệm trong chuyến thám hiểm khắc nghiệt tới Aconcagua - ngọn núi cao nhất ở Argentina.

Những sản phẩm này không có sẵn để mua, thay vào đó, Human Material Loop sẽ chỉ cung cấp nguyên liệu cho các nhà thiết kế và thương hiệu khác. Kollar cho biết giá cả của chất liệu “vải tóc” sẽ cạnh tranh với len khi nó đạt khối lượng sản xuất lớn hơn.

“Không phải ai cũng sẵn sàng với việc mặc trên mình những bộ quần áo từ tóc, nhưng tôi tin rằng ý tưởng này có thể ngày một phát triển hơn.” Đối với Kollar, đây không chỉ đơn giản là một ý tưởng mới lạ mà “vải tóc” còn là một chất liệu bền.

Human Material Loop thu thập tóc từ các tiệm salon ở Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Họ sử dụng những sợi tóc bị cắt hoặc gãy bởi không chứa DNA hạt nhân nhằm đảm bảo sự riêng tư và bảo mật cá nhân. Đồng thời, thương hiệu thời trang Hà Lan này cũng đang thiết lập một chuỗi tài liệu để theo dõi nguồn gốc của những sợi tóc.

ao giu nhiet.PNG
Human Material Loop đã sử dụng tóc để cách nhiệt trong chiếc áo khoác này. (Ảnh: CNN)

Trong lịch sử, tóc người được sử dụng làm vật liệu dệt may ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Ở Micronesia, bộ tộc Kiribati đã tạo ra áo giáp dệt từ nguyên liệu tự nhiên, bao gồm sợi dừa, răng cá mập, lá cọ và tóc người.

Tại phía Tây Nam nước Mỹ vào thế kỷ 13, người dân đã làm ra những chiếc tất bằng cách thắt các sợi tóc lại với nhau.

Đền Higashi Hongan-ji ở Kyoto là một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới. Sau một trận hỏa hoạn vào thế kỷ 19, những sợi dây làm từ tóc người được quyên góp từ khắp Nhật Bản đã được trộn với cây gai dầu và sử dụng trong quá trình tái xây dựng.

Sanne Visser, nhà nghiên cứu vật liệu, nhà thiết kế và nhà sản xuất người Hà Lan, đồng thời là giảng viên tại Đại học Nghệ thuật London, chia sẻ rằng có rất nhiều thử thách xung quanh dự án này.

Cô nói: “Vẫn còn nhiều định kiến về loại ‘vải tóc’ bởi mọi người chưa thực sự coi tóc là một nguồn tài nguyên, đặc biệt là những sợi tóc bị cắt bỏ.”

Trong dự án “Locally Grown” (Phát triển tại địa phương) cho Bảo tàng Thiết kế Luân Đôn, Visser đã làm việc với các thợ tóc và hình dung về viễn cảnh tóc trở thành nguồn tài nguyên quý giá.

Cô cũng thiết kế lại ghế cắt tóc có công dụng thu thập những sợi tóc được cắt, nhằm tiết kiệm thời gian cho cả thợ tóc và người tái chế.

Visser cho biết việc đưa tóc người vào các sản phẩm không hề đơn giản. “Cần mất nhiều thời gian để thay đổi quan điểm của mọi người, nhưng tôi chắc chắn trong tương lai, chúng ta sẽ thấy nhiều sản phẩm làm từ chất liệu tóc trong đời sống hàng ngày”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục