Thương hiệu quốc gia: Bước tiến vượt bậc của các sản phẩm Việt

Dù tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh là rất lớn, song 2020 là năm có số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng cao nhất từ trước đến nay.
Thương hiệu quốc gia: Bước tiến vượt bậc của các sản phẩm Việt ảnh 1Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Lễ tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giá trị Thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục tăng trong bảng xếp hạng thế giới những năm qua.

Thành quả này có sự  chung tay tích cực của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung - mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng vị thế cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế…

Nâng tầm giá trị thương hiệu

Tối 25/11, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 2020. Theo đó, 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đã chính thức được tôn vinh trong buổi lễ này.

[Công nhận 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam]

Điểm nổi bật nhất là dù tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh là rất lớn, song 2020 là năm có số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng cao nhất từ trước đến nay (tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018.)

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngoài những tên tuổi như: Vietnam Airlines, Viettel, MobiFone, Vinamilk, Hòa Phát, Vietcombank, TH True Milk, Thiên Long, PVGas, Biti’s, NutiFood, Traphaco... Chương trình Thương hiệu quốc gia năm nay cũng xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu, hay những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… càng chứng tỏ hơn nhận thức của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau về tầm quan trọng của thương hiệu.

Là doanh nghiệp lần đầu tiên có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại sản xuất-xuất nhập khẩu Ngân Hà chia sẻ: “Mang trên mình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm và sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc nghiên cứu đưa ra những sáng chế, sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt, để Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng khẳng định, vương xa trên trường quốc tế.”

Năm 2020 Nutricare tiếp tục được là 1 trong 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Trong lần vinh danh thứ 2 liên tiếp này, ông Nguyễn Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare chia sẻ đây vừa là niềm tự hào vì những nỗ lực của doanh nghiệp được ghi nhận, song đi cùng với đó cũng là áp lực trách nhiệm, phải nỗ lực không ngừng để giữ vững cam kết về chất lượng, dịch vụ với khách hàng, đối tác.

“Nhưng điều hay ở chỗ, chính áp lực về cam kết khi tham gia chương trình, vô hình chung mang tới động lực cho Nutricare đoàn kết và tiến xa hơn,” ông Nguyễn Đức Minh nói.

Hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, trong số đó có những doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.

Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổng hợp, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách Nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 471.000 lao động.

“Chương trình Thương hiệu quốc gia rất tự hào đã truyền cho các doanh nghiệp động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thương hiệu quốc gia: Bước tiến vượt bậc của các sản phẩm Việt ảnh 2Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 2020. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khẳng định vị thế

Sau gần 17 năm triển khai thực hiện, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên con số 124 doanh nghiệp năm 2020.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).

Số liệu của tổ chức Brand Finance đưa ra cho thấy thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 29%, từ 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020 đồng thời tăng thêm 9 hạng, từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đạt trên 9,3 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, những con số này khẳng định sức thuyết phục về chất lượng ngày càng được cải thiện của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh, vươn ra thế giới, cạnh tranh với doanh nghiệp trên toàn cầu.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành khác tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

"Các doanh nghiệp phải luôn tâm niệm và thấu hiểu: Tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần," Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh thêm.

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục