Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 chính thức khai mạc chiều ngày 20/4, tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hàng nghìn đại diện đến từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
[Tỏa sáng hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế]
Điển hình, trong 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh theo báo cáo đánh giá từ Brand Finance. Điều này là nhờ sự nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Dẫn báo cáo từ Brance Finance, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2021, Thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỷ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới.
Với điểm nhấn nổi bật này, ông Hải cho rằng đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Hơn nữa, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
"Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Minh chứng, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới," ông Hải thông tin.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm (từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021).
Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Bên cạnh gia tăng về số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng-Đổi mới-Sáng tạo-Năng lực tiên phong. Với ý nghĩa đó, theo đề xuất của Bộ Công Thương, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là “Ngày Thương hiệu Việt Nam” nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời nhằm khơi dậy khát vọng của cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung vì một Việt Nam hùng cường./. |