Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ giúp Nhật Bản-Triều Tiên xích lại gần nhau?

Nhật Bản có thể tận dụng những dấu hiệu tích cực từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 để giành lấy cơ hội thúc đẩy quan hệ với chính quyền Bình Nhưỡng.
Quốc kỳ của Nhật Bản và Triều Tiên. (Nguồn: AFP)

Global Times đưa tin, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 27-28/2 sẽ dẫn tới những thay đổi phức tạp trong hoạt động chính trị tại Đông Á.

Mặc dù tác động tới quan hệ Mỹ-Nhật sẽ không nhiều song quan hệ Nhật-Triều sẽ chuyển hướng tích cực.

Hiện tại, Bình Nhưỡng yêu cầu rút các lệnh trừng phạt, ký hòa ước, tuyên bố chấm dứt chiến tranh và một sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, trước khi có bất kỳ sự tiến triển nào trong phi hạt nhân hóa, Washington thực chất sẽ không giảm các lệnh trừng phạt. Do đó, hội nghị ở Hà Nội có thể tạo ra những kết quả đáng kể, có nhiều ý nghĩa hơn hội nghị ở Singapore.

Tuy nhiên, nó sẽ không thay đổi quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Đông Á. Ngay cả khi Mỹ và Triều Tiên tạo dựng mối quan hệ mới, đương nhiên quan hệ này sẽ không vững chắc như liên minh Mỹ-Nhật.

[Nhật Bản nỗ lực giải quyết vấn đề công dân bị Triều Tiên bắt cóc]

Trong trường hợp này, khả năng cải thiện quan hệ Mỹ-Triều sẽ không tạo ra tác động đáng chú ý với quan hệ Mỹ-Nhật, song nó có thể khiến Tokyo và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau hơn.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Triều Tiên tương tác chủ yếu về vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản và các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng có tầm bắn tới Nhật Bản.

Bất kể khi nào căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đều đưa ra lập trường cứng rắn và đề xuất tăng các lệnh trừng phạt.

Nếu Washington và Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ, Tokyo có thể cân nhắc lại chính sách của mình với Triều Tiên, tham gia những nỗ lực với các quốc gia Đông Á khác để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo và giảm những căng thẳng địa chính trị.

Nếu yêu cầu cơ bản của Mỹ về Triều Tiên được đáp ứng, Tokyo có thể tìm cách bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng. Không những vậy, chính quyền Shinzo Abe sau đó có thể hỗ trợ nền kinh tế Triều Tiên bằng cách đưa ra những khoản viện trợ tài chính hay đầu tư.

Với những động thái này, Nhật Bản có thể sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe sẽ vất vả tìm cách gia tăng sự ủng hộ trong nước thông qua thuật ngoại giao đầy ấn tượng thì Tokyo có thể tận dụng những dấu hiệu tích cực từ hội nghị Trump-Kim lần thứ 2 để giành lấy cơ hội thúc đẩy quan hệ với chính quyền Kim Jong-un.

Nếu quan hệ Mỹ-Tiều tiến triển đáng kể, nó sẽ gửi một thông điệp hòa giải cho Nhật Bản. Theo liên minh Mỹ-Hàn-Nhật và khuôn khổ hợp tác quân sự Mỹ-Nhật, nếu Triều Tiên vẫn giữ thái độ thù địch với Nhật Bản thì khó có thể có được vị thế ngoại giao đa phương tại Đông Á.

Thực tế, chính quyền Kim Jong-un hy vọng đàm phán với Tokyo. Những hoạt động địa chính trị của Triều Tiên phụ thuộc vào sự ủng hộ từ các nước bạn truyền thống như Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, nước này cũng muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản để đạt được lợi thế tối đa về địa chính trị đa phương và an ninh tại khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục