Thượng đỉnh Kuala Lumpur phơi bày sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo

Danh sách khách mời của hội nghị cho thấy rõ một sự ưu ái dành cho các nhà nước Hồi giáo theo kiểu: những nước ủng hộ chính trị Hồi giáo tự mô tả mình là những nhà đấu tranh trong các vấn đề Hồi giáo.
Thượng đỉnh Kuala Lumpur phơi bày sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo ảnh 1(Từ trái sang) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Hội nghị. (Nguồn: AFP)

Thep trang mạng asiatimes.com, Hội nghị Thượng đỉnh Kuala Lumpur, bắt đầu từ ngày 18/12, quy tụ lãnh đạo các nước Malaysia, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran and Qatar, cùng với 450 nhà trí thức Hồi giáo đến từ khắp nơi trên thế giới.

Theo sáng kiến của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, danh sách khách mời của hội nghị cho thấy rõ một sự ưu ái dành cho các nhà nước Hồi giáo theo kiểu: những nước ủng hộ chính trị Hồi giáo tự mô tả mình là những nhà đấu tranh trong các vấn đề Hồi giáo toàn cầu.

Tuy nhiên, nỗ lực củng cố một nhóm nước như vậy sẽ đối mặt với sự phản đối từ một thế giới Hồi giáo bị chia rẽ sâu sắc.

Và sự tín nhiệm của nhóm với tư cách nhà đấu tranh trong các vấn đề Hồi giáo toàn cầu, đặc biệt là những thành phần xung đột với lợi ích quốc gia của các thành viên trong nhóm, sẽ bị thách thức.

[Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo: Kêu gọi các quốc gia Hồi giáo đoàn kết]

Được thai nghén từ các hoạt động bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York năm nay, hội nghị thượng đỉnh này đã nổi lên từ nỗi thất vọng trước sự đáp trả một cách mờ nhạt đối với sự kiểm soát chặt chẽ của Ấn Độ tại Kashmir.

Khi Ấn Độ tuyên bố quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir và đặt khu vực dưới sự kiểm soát chặt chẽ, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã lên án động thái này và nhắc lại lời kêu gọi của Pakistan về một cuộc trưng cầu ý dân do Liên hợp quốc giám sát.

Tuy nhiên, sự chỉ trích của OIC đã không có tác dụng do thiếu sự nhất trí giữa các thành viên về cách thức hiệu quả nhất để xử lý vấn đề.

Vì vậy, mặc dù Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia đã xung đột với Ấn Độ tại Liên hợp quốc vì vấn đề Kashmir, nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn có các chuyến công du đến Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi ông được đón tiếp nồng hậu.

Thượng đỉnh Kuala Lumpur phơi bày sự chia rẽ trong thế giới Hồi giáo ảnh 2Trong ảnh: Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo ở Kuala Lumpur. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần mình, mặc dù là một thành viên nòng cốt của nhóm liên lạc của OIC về vấn đề Kashmir, nhưng Saudi Arabia lại áp dụng một cách tiếp cận thờ ơ với vấn đề ở bên ngoài tổ chức này khi kêu gọi Ấn Độ và Pakistan tự giải quyết những tranh chấp của họ một cách hòa bình.

Trước sự thất vọng của Pakistan, hầu hết các nhà nước Hồi giáo cũng làm điều tương tự.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề Kashmir, hội nghị cũng sẽ phản ánh sự chia rẽ mang tính bạo lực giữa những người ủng hộ và phản đối chính trị Hồi giáo trên khắp thế giới Hồi giáo.

Các nhà nước có đa số người theo đạo Hồi ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc nội chiến vốn luôn lấy những người Hồi giáo ra để đọ sức với các lực lượng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa thế tục tại Trung Đông.

Tại Ai Cập, UAE và Saudi Arabia năm 2013 đã hỗ trợ cho quân đội thực hiện cuộc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, một thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo có chính phủ được hưởng sự bảo trợ của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn tại Libya, cả Ai Cập và UAE đều hỗ trợ cho Khalifa Haftar và Quân đội Quốc gia Libya của ông trong chiến dịch tấn công dữ dội vào các nhóm Hồi giáo do Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng.

Iran thì lâu nay vẫn đứng sau bảo trợ cho Hezbollah ở Liban, Hamas ở Gaza và gần đây hơn là Houthis ở Yemen, đồng thời tuyển dụng hàng nghìn thanh niên trẻ tuổi vào các nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shi’ite để tiến hành chiến tranh dưới danh nghĩa của họ tại Syria và Iraq.

Tiếp đến, ngay giữa lúc khó khăn này, nỗ lực thống nhất các nhà bảo trợ cho chính trị Hồi giáo của Malaysia còn vấp phải hàng loạt thách thức.

Sự quy tụ này không thể làm đại diện cho một thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn. Sáu nhà nước được mời đến hội nghị thượng đỉnh này phản ánh sự chia rẽ của 49 nhà nước trong OIC.

Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, mới đầu còn là một trong những nhà bảo trợ quan trọng nhất cho hội nghị. Thế nhưng, cái tên của nó đã biến mất trong các thông cáo báo chí gần đây, làm dấy lên sự nghi ngờ về việc nước này có còn tham gia hay không.

Thêm vào đó, các nước Hồi giáo quan trọng, trong đó có Saudi Arabia - nước tự coi mình là thủ lĩnh thiên bẩm của thế giới Hồi giáo - và Ai Cập, cùng các nước khác, cũng sẽ nhìn vào hội nghị thượng đỉnh này với một ánh mắt ngờ vực.

Sự chia rẽ từ trong gốc rễ của hội nghị này rốt cuộc có thể tôi luyện sự nhiệt tình của Pakistan, Indonesia và Qatar. Tất cả ba nước này đều muốn tránh gây thù địch với Saudi Arabia.

Theo một cựu quan chức cấp cao của Pakistan, nước này cảm thấy buộc phải tôn trọng lời mời của Malaysia sau khi nước này công khai lập trường về Kashmir. Ông này nhấn mạnh rằng sự góp mặt của Pakistan không đồng nghĩa với một lời thách thức đến Riyadh - bên mà Islamabad luôn coi là một đối tác chiến lược. Indonesia cũng rất sốt sắng trong việc thu hút đầu tư từ Saudi Arabia.

Saudi Arabia và Qatar cũng đã có những tiến triển trong viêc xoa dịu mối quan hệ trong những tuần gần đây. Bất chấp mối quan hệ ngoại giao vẫn đang căng thẳng, Ngoại trưởng Qatar đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Riyadh hồi tháng 11.

Trong khi đó, Saudi Arabia, UAE và Bahrain cũng đã gửi các phái đoàn của mình đến vòng loại bóng đá Cúp vùng Vịnh Arab tại Doha, bất chấp sự bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp toàn diện cho các tranh chấp.

Cuối cùng, các nhà bảo trợ của hội nghị đang đối mặt với một phép thử quan trọng về sự tín nhiệm của họ. Đối lập với lập trường của mình về Kashmir, Malaysia lại tỏ ra thận trọng về cách cư xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Hồi tháng 9, Thủ tướng Mahathir thừa nhận rằng Malaysia không có đủ khả năng để lên tiếng phản đối Trung Quốc xung quanh vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giảm bớt sự chỉ trích nhằm vào Trung Quốc sau một chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến Bắc Kinh trong năm nay.

Những thực tế địa chính trị đang đè nặng những áp lực đáng kể lên những nhà bảo trợ cho các vấn đề Hồi giáo toàn cầu. Thế giới Hồi giáo đang chia rẽ, đôi khi còn chia rẽ một cách bạo lực, về vấn đề chính trị Hồi giáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục