Mỹ và Pháp đã đạt được thỏa hiệp về kế hoạch áp thuế công nghệ số của Chính phủ Pháp, vốn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế đối với rượu vang nhập khẩu từ Pháp.
Theo một nguồn thạo tin, thỏa hiệp đạt được giữa Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Theo Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Pháp sẽ hoàn lại cho các công ty công nghệ khoản chênh lệch giữa mức thuế của Pháp và một cơ chế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra.
Dự thảo thỏa thuận sẽ được trình lên Tổng thống Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày 26/8 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7).
Nguồn tin trên cho hay cố vấn của ông Trump đồng ý với đề xuất và đây sẽ là cơ chế cho giai đoạn hiện tại và là đề xuất chung.
[Chính phủ Pháp triển khai thuế công nghệ số bất chấp đe dọa từ Mỹ]
Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 ngày 26/8, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh cuộc đàm phán sắp tới về việc Pháp áp thuế đối với thu nhập của các hãng công nghệ lớn sẽ xác định xem Mỹ có áp thuế riêng đối với rượu vang của Pháp hay không.
Trước khi lên đường tới Pháp, Tổng thống Trump đã đe dọa đưa rượu vang của Pháp vào tầm ngắm "đáp trả thuế" sau khi Paris thông qua dự luật đánh thuế kỹ thuật số.
Ông đã cảnh báo nếu Paris quyết định thực thi chính sách đánh thuế trên, Washington sẽ áp thuế đối với rượu vang của Pháp hoặc làm điều gì đó, đồng thời cho biết sản phẩm này sẽ phải chịu mức thuế chưa từng có.
Hồi tháng Bảy vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, mang tên GAFA (chữ cái đầu của Google, Appple, Facebook và Amazon), đối với các công ty công nghệ lớn, qua đó, trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này.
Theo đó, Pháp sẽ đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hằng năm của các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số lớn nhất ở nước này.
Động thái trên có thể giúp nguồn thu ngân sách của Pháp bổ sung thêm 500 triệu euro (khoảng 563 triệu USD)/năm, song có thể ảnh hưởng tới khoảng 30 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty Mỹ, ngoài ra có cả Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha.../.