Thương chiến và sự chia tách thương mại Mỹ-Trung trong thời COVID-19

Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục trỗi dậy, Mỹ vẫn sẽ coi nước này là đối thủ cạnh tranh chiến lược và cuộc đối đầu giữa hai nước khó có thể xuống thang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum, giai đoạn 1 của Thỏa thuận thương mại và kinh tế Mỹ-Trung được ký hôm 15/1 là một bước đi nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại vốn từng được khai mào từ tháng 3/2018.

Trung Quốc đã cam kết tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ để đối lấy việc Washington không áp đặt thêm các mức thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh. Một lệnh đình chiến thương mại hiện đang được thực hiện, nhưng nhiều thách thức vẫn tồn tại.

Tới nay, hiện vẫn chưa rõ liệu và khi nào Mỹ sẽ bãi bỏ các mức thuế bổ sung mà nước này đã áp đặt đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc - hành động mà Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tận dụng như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai.

[Mỹ hối thúc Trung Quốc tăng mua hàng hóa khi kinh tế dần phục hồi]

Các mức thuế cao của Mỹ và mức tăng nhập khẩu từ Mỹ, theo như cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận, sẽ không chỉ làm giảm sự mất cân bằng thương mại song phương, mà còn làm giảm áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc - vốn đang bị ảnh hưởng nặng nền bởi cú sốc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19).

Thỏa thuận này không đề cập đến kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” hoặc trợ cấp của chính phủ dành cho các doanh nghiệp quốc hữu, cả hai điều này hiện đều là mối bận tâm lớn của Mỹ.

Những chính sách này đang làm trì hoãn các vấn đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán. Việc Trung Quốc coi đây là những trụ cột chính trong “chủ nghĩa tư bản nhà nước” sẽ khiến cho việc đạt được thỏa hiệp đàm phán bất khả thi.

Một số nhà kinh tế kỳ vọng rằng thỏa thuận này sẽ gây áp lực bên ngoài lên Trung Quốc để tiến hành cải cách kinh tế tương tự như những gì Bắc Kinh từng thực hiện khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001.

Tuy nhiên, hiện có những khác biệt mang tính quyết định giữa hai tình huống trên. WTO là một tổ chức đa phương áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc trong số các thành viên của tổ chức. Ngược lại, đây là một thỏa thuận song phương và các biện pháp nói chung không áp dụng cho các nước thứ 3.

Việc gia nhập WTO của Trung Quốc đã khuyến khích tự do thương mại thông qua cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác, trong khi nhiều mục tiêu được đặt ra cho hoạt động nhập khẩu từ Mỹ trong thỏa thuận trên là một bước đi hướng tới hình thức thương mại do nhà nước quản lý. Cách hành xử ưu ái của Mỹ đang vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc trên.

Những cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan rộng từ thương mại sang công nghệ. Mỹ đang cố gắng cấm các công ty công nghệ cao của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, tham gia vào các thị trường Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời xây dựng luật để chống lại việc Trung Quốc thu mua các công ty công nghệ cao của Mỹ. Hiện Washigton cũng đang thuyết phục các đồng minh thực hiện các hành động tương tự.

Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục trỗi dậy, Mỹ vẫn sẽ coi nước này là đối thủ cạnh tranh chiến lược và cuộc đối đầu giữa hai nước khó có thể xuống thang. Chính quyền Trump đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc từ can dự sang chia tách, nhằm cắt đứt các liên kết của mình với Trung Quốc bằng cách hạn chế các dòng chảy thương mại và đầu tư song phương cũng như công nghệ và giao lưu nhân dân.

Chiến lược này đang tạo ra hiệu quả. Trung Quốc đã tụt hạng trong danh sách các đối tác thương mại của Mỹ từ vị trí số 1 vào năm 2018 xuống vị trí số 3 năm 2019. Đầu tư của Trung Quốc trong ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ gần như chững lại.

Xu hướng tiến tới sự chia tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.

Hiện đang dây lên những quan ngại rằng Mỹ phụ thuộc quá mức vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ là hàng tiêu dùng, mà còn là các loại thuốc chủ yếu và vật tư y tế.

Đáp lại, ông Larry Kudlow- cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump - đã đề nghị rằng chính phủ Mỹ nên trả tiền cho các công ty Mỹ chuyển khỏi Trung Quốc để trở về Mỹ.

Ngày 30/4 vừa qua, Tổng thống Trump đã đe dọa áp đặt mức thuế mới đối với Trung Quốc, khi ông tuyên bố có bằng chứng rõ ràng về việc COVID-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán.

Sự chia tách giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến sự tan rã của nền kinh tế thế giới thành các khối thương mại, điều này gợi nhớ đến cuộc Đại Suy thoái.

Charles Kindleberger - kiến trúc sư của Kế hoạch Marshall - lập luận rằng đại suy thoái bắt nguồn từ việc Mỹ không cung cấp các hàng hóa công quan trọng như một hệ thống tài chính, thương mại và tiền tệ quốc tế ổn định và cởi mở sau khi Mỹ vượt qua Anh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Gần một thế kỷ sau, thế giới dường như lại rơi vào “cái bẫy của Kindleberger.”

Việc thiếu sự lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu trong quá trình chuyển giao quyền lực bá chủ có thể một lần nữa gây ra sự phá vỡ trật tự quốc tế.

Mỹ, một cường quốc nhạt nhòa, đã thực hiện một chính sách đối ngoại biệt lập và tự tách mình khỏi các tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, Tổng thống Trump đã đi xa đến mức tuyên bố ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy có quy mô kinh tế chỉ bằng 2/3 nền kinh tế của Mỹ nếu xét về GDP, vẫn chưa sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống quyền lực lãnh đạo toàn cầu bị bỏ lại phía sau.

Thật không may, đại dịch COVID-19 đang diễn ra vào thời điểm khi trật tự quốc tế bị xáo trộn.

Việc biến đối kháng thành hợp tác giữa các quốc gia, đặc biệt giữa hai cường quốc Mỹ-Trung, chắc chắn rất cần thiết để vượt qua khủng hoảng COVID-19 và cái bẫy Kindleberger đang hiện ra sau đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục