Theo nghiên cứu được công bố ngày 16/8 trên tạp chí The Lancet, những phụ nữ uống thuốc giảm đau được kê đơn cùng với thuốc tránh thai khẩn cấp có khả năng ngừa thai hiệu quả hơn so với những người chỉ sử dụng thuốc tránh thai.
Nghiên cứu được thực hiện tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Hong Kong (Trung Quốc) từ năm 2018 đến năm 2022.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đối với 860 phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp.
Trước đây, một thử nghiệm năm 1998 cho thấy levonorgestrel, một trong những loại thuốc tránh thai khẩn cấp phổ biến nhất thế giới, có hiệu quả ngừa thai lên đến 95% khi dùng trong vòng 24 giờ sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu mới trên cho biết khi kết hợp loại thuốc này với piroxicam, một loại thuốc được kê đơn để giảm đau và điều trị viêm khớp, "hiệu quả tránh thai khẩn cấp đã được cải thiện đáng kể."
Cụ thể, trong số 418 phụ nữ dùng cả levonorgestrel và piroxicam, chỉ có 1 người mang thai, với tỷ lệ hiệu quả tổng thể lên tới 99,8%.
Trong khi đó, một nhóm khác với số lượng người tham gia tương tự dùng levonorgestrel và giả dược lại ghi nhận có 7 người mang thai, với tỷ lệ hiệu quả là 98,3%.
Hai nhóm thử nghiệm hầu như không ghi nhận tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc, chẳng hạn như chậm chu kỳ kinh nguyệt.
Chuyên gia Raymond Li tại Đại học Hong Kong, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh một loại thuốc “sẵn có và an toàn” như thuốc giảm đau, khi được sử dụng cùng với levonorgestrel, lại có thể tăng hiệu quả tránh thai.
[Mỹ lần đầu tiên cho phép bán thuốc tránh thai không cần đơn]
Đồng tác giả nghiên cứu, bà Sue Lo tại Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Hong Kong, đánh giá phát hiện này có thể mở đường cho các nghiên cứu khác.
Tuy nhiên, bà Sue Lo cũng nhấn mạnh rằng phát hiện này vẫn cần được kiểm chứng trên diện rộng, đồng thời khuyến cáo việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp cùng với loại thuốc khác cần phải có sự trao đổi với bác sỹ.
Trong khi đó, chuyên gia Erica Cahill tại Trường Y khoa thuộc Đại học Stanford cảnh báo kết luận trên "có thể không áp dụng cho tất cả bệnh nhân," bởi những người tham gia nghiên cứu hầu hết là người châu Á hoặc gốc Á, có cân nặng dưới 70kg.
Bà cho rằng những bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có thể sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn./.