Thuốc lá thế hệ mới: Cần xem xét cơ chế thí điểm để đánh giá toàn diện

Các chuyên gia cho rằng trong khi thị trường hàng lậu chưa từng hạ nhiệt, việc áp dụng thí điểm kinh doanh đối với một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là cơ sở cần thiết để đánh giá toàn diện.
Bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào cũng cần phải được kiểm soát dưới luật, không có trường hợp ngoại lệ.

Sự tràn lan của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thông qua các con đường thẩm lậu, “xách tay” trong suốt nhiều năm qua là hiện trạng đang được các cơ quan chức năng và dư luận quan tâm. Trong khi nhiều nghiên cứu khoa học kết luận đây là sản phẩm giảm tác hại, thay thế tốt hơn cho những người đang hút thuốc lá điếu, thì cũng có nhiều ý kiến kêu gọi cần thận trọng đánh giá toàn diện mới có thể đi đến kết luận.

Các chuyên gia cho rằng trong khi thị trường hàng lậu chưa từng hạ nhiệt, việc áp dụng thí điểm trước đối với một số sản phẩm thuốc lá thế hệ mới theo đề xuất của Bộ Công thương trên cơ sở thống nhất với ý kiến của nhiều Bộ ban ngành liên quan là cơ sở cần thiết để đánh giá toàn diện.

Thí điểm kinh doanh thuốc lá thế hệ mới liệu có cần thiết?

Việt Nam hiện quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh hợp pháp, đồng thời cũng đã có Luật phòng, chống tác hại thuốc lá từ năm 2012 để kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá trên thị trường.

Do thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm có yếu tố công nghệ (chỉ làm nóng không đốt cháy), đang được thế giới tiếp tục nghiên cứu về mức độ giảm tác hại hơn so với thuốc lá điếu, nên phương án thí điểm kinh doanh trước khi đưa ra đánh giá khách quan, toàn diện là cần thiết.

Dựa trên kết quả thực tiễn, các nhà quản lý sẽ có những chính sách quản lý phù hợp, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang những sản phẩm thay thế giảm tác hại cũng như ngăn chặn những tác động ngoại ý nếu có.

Hiện sự quan tâm đối với các sản phẩm này không chỉ dừng lại ở các cấp bộ ngành liên quan, mà còn có các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu, xây dựng pháp luật, và những người hút thuốc lá.

[Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Tránh kẽ hở gây tác động tiêu cực]

Tại tọa đàm do báo Lao Động tổ chức vào cuối tháng 10, có những ý kiến bày tỏ ủng hộ đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm cho phép kinh doanh những sản phẩm giảm tác hại cho những người đang hút thuốc lá điếu, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

Mục đích là cung cấp thêm một giải pháp ít hại hơn cho những người chưa hoặc không muốn cai sản phẩm thuốc lá điếu độc hại nhất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn nhóm những người chưa bao giờ hút (đặc biệt là thanh thiếu niên) hoặc đã cai thuốc lá thành công.

Trả lời phỏng vấn báo Lao động, Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175, đề xuất nếu không thể cấm triệt để thì nên xây dựng một hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới tốt hơn.

“Thay vì buông lỏng như hiện nay, nếu quản lý tốt, thuốc lá thế hệ mới sẽ là một lựa chọn thay thế cho những người không thể bỏ được thuốc lá muốn chuyển đổi sang sản phẩm ít độc hại hơn thuốc lá điếu,” Tiến sỹ-bác sỹ Công đề nghị.

Thí điểm kinh doanh là giải pháp để quản lý tốt hơn

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SB Law, trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây nhất cho rằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về thuốc lá thế hệ mới cho phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, từ đó thúc đẩy việc chống buôn lậu, chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết.

Tại Tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam do báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức vào tháng Tám vừa qua, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “nếu biết được thuốc lá thế hệ mới giúp giảm tác hại mà không thể cung cấp cho bệnh nhân, thì đó là lỗi của người thầy thuốc.”

Chuyên gia cho rằng kết luận của FDA có thể được xem là hướng dẫn toàn cầu.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ-Bác sỹ Trần Văn Ngọc và Tiến sỹ-bác sỹ Đào Văn Tú - Trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương cũng đã dẫn các kết quả nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ về việc “sử dụng thuốc lá làm nóng có thể làm giảm từ 80-98% hàm lượng các chất độc chính có trong thuốc lá” và cho rằng kết quả này có thể “được xem là hướng dẫn toàn cầu.”

Về phía cơ quan chức nằng, kể từ chỉ đạo đầu tiên của Chính phủ trong việc sớm quản lý thuốc lá thế hệ mới năm 2017, có nhiều ý kiến đồng thuận của các bộ ban ngành, khẳng định Việt Nam hiện đã đủ chín muồi để quản lý mặt hàng này.

Bộ Công thương đã đưa Nghị định 67 sửa đổi vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ từ năm 2020 (trong đó bao gồm định nghĩa thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng), tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện, ban hành.

Tại công văn số 8564/VPCP-CN ngày 23/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định và trình Chính phủ xem xét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục