Thuốc lá làm nóng và câu chuyện chuyển đổi hành vi tiêu dùng

Trong lĩnh vực thuốc lá, nhiều nghiên cứu khoa học về các sản phẩm không khói như thuốc lá làm nóng đang khiến người dân thay thế dần hành vi hút thuốc lá điếu.
Ông Jacek Olczak - Tân Tổng Giám đốc (CEO) của tập đoàn PMI - Người theo đuổi tầm nhìn tương lai không khói thuốc.

Khoa học đang làm thay đổi rất nhiều hành vi tiêu dùng trong xã hội, phần lớn theo hướng tích cực.

Trong lĩnh vực thuốc lá, nhiều nghiên cứu khoa học về các sản phẩm không khói như thuốc lá làm nóng đang khiến người dân thay thế dần hành vi hút thuốc lá điếu.

Sự dịch chuyển hành vi dựa trên kết quả các nghiên cứu

Theo số liệu thống kê năm 2021 của tập đoàn Philip Morris International (PMI), đã có hơn 19 triệu người sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng từ nhà sản xuất này, trong đó có trên 14 triệu người đã dừng hoàn toàn việc hút thuốc lá điếu. Đâu là lý do cho sự dịch chuyển đáng kể này?   

Chính sách phòng chống thuốc lá theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với đường lối giảm cung, giảm cầu vẫn đang là kim chỉ nam của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là với các nước tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do WHO khởi xướng.

Tuy nhiên, có tới gần 70% thị trường mà PMI đã thương mại hóa sản phẩm thuốc lá làm nóng cũng đang là thành viên của Công ước Khung FCTC.

[Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới]

Đối với Nhật Bản, sự tăng trưởng ổn định của thuốc lá làm nóng đã góp phần vào chiến lược kiểm soát thuốc lá điếu tại quốc gia này.

Theo dữ liệu của Công ty Nghiên cứu Thị trường Frost & Sullivan vào tháng 11/2020, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2019, tổng doanh số thuốc lá điếu tại Nhật đã giảm 34%.

Trong giai đoạn này, sản lượng bán ra của sản phẩm thuốc lá làm nóng đã tăng từ 5,1 tỷ lên 37,1 tỷ điếu thuốc lá đặc chế.

Sự dịch chuyển này là kết quả của việc chính phủ công nhận, cũng như nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện trên quy mô lớn thừa nhận khả năng giảm thiểu tác hại của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu.

Ông Jacek Olczak, tân Tổng Giám đốc (CEO) của PMI khẳng định: “Để đạt đến sự chuyển đổi hoàn toàn (từ hút thuốc lá điếu sang sử dụng các sản phẩm không khói giảm tác hại) thì sự ủng hộ của chính phủ có ý nghĩa rất lớn.”

Các bước tiến hướng đến tương lai không khói thuốc chỉ có thể đạt được khi các chính phủ phối hợp với ngành công nghiệp thuốc lá đề ra khung pháp lý phù hợp, cho phép người hút thuốc tiếp cận đến các sản phẩm và giải pháp tốt hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy.

Điểm chung của các quốc gia cho phép thương mại hóa thuốc lá làm nóng chính là cơ sở khoa học của sản phẩm, khi ngày càng có nhiều nghiên cứu sâu rộng về những ảnh hưởng sản phẩm này trong quá trình chuyển đổi.

Cùng lúc, cũng đã có nhiều tổ chức y tế nhận ra rằng thay vì bỏ rơi những người tiếp tục lựa chọn hút thuốc lá thì cần có giải pháp cho họ.

Công nhận giải pháp giảm thiểu tác hại

Hiện nay, sản phẩm thuốc lá làm nóng của PMI đã có mặt tại 66 quốc gia trên toàn cầu. Các cơ quan y tế cũng tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu về khả năng giảm thiểu tác hại của sản phẩm này.

Nếu trước đây đã có sự tham gia của Tổ chức Y tế công cộng Anh (PHE), Viên nghiên cứu Liên bang Đức, thì trong những năm gần đây có thêm sự hiện diện của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), lần đầu tiên cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh tại Mỹ với chỉ định là sản phẩm “Điều chỉnh nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm.”

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Nhật Bản cũng đã có những số liệu chứng minh cho thấy sự giảm thiểu hệ lụy từ sản phẩm này, và việc đưa sản phẩm vào chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện của quốc gia sẽ góp phần quan trọng vào việc khắc phục những hệ lụy đó.

Tân Tổng Giám đốc Điều hành PMI, ông Olczak đặt mục tiêu PMI sẽ giảm tỷ trọng doanh thu của thuốc lá điếu, nâng doanh thu của thuốc lá làm nóng lên 50% vào năm 2025.

Theo đó, ông Olczak tuyên bố trong cuộc họp báo trực tuyến từ Thụy Sĩ: “Đã đến lúc PMI cần thực hiện nỗ lực để đưa ra một giải pháp cho tất cả những người hút thuốc lá trên toàn thế giới và PMI có đủ nguồn lực để làm việc này, song, để thành công đòi hỏi phải có khả năng tiếp cận toàn diện.”

Mục tiêu của việc tiếp cận toàn diện này chính là tìm kiếm sự đón nhận và công nhận của chính phủ một số quốc gia.

Ông Jacek Olczak nhận định: “Các giải pháp, nền tảng công nghệ cũng như khả năng mở rộng của công nghệ  tạo điều kiện ứng phó với vấn nạn hút thuốc lá tại bất kỳ quốc gia nào, ở bất kỳ mức thu nhập nào trên thế giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục