'Thuốc huyết áp không làm trầm trọng thêm các bệnh nhân mắc COVID-19'

Phát hiện này đã phần nào xua tan nỗi lo lắng của những bệnh nhân COVId-19 đang dùng thuốc điều trị huyết áp khi đang hoang mang không biết có nên tiếp tục dùng thuốc hay không.
Nhân viên y tế Mỹ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên tàu bệnh viện USNS Mercy ở Los Angeles, bang California ngày 4/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế Mỹ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên tàu bệnh viện USNS Mercy ở Los Angeles, bang California ngày 4/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các loại thuốc điều trị huyết áp không làm tăng nguy cơ mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như làm tăng mức độ nghiêm trọng khi mắc dịch bệnh nguy hiểm này.

Đây là kết luận được 3 nghiên cứu lớn công bố ngày 1/5, mang lại tin vui cho hàng triệu người đang phải sử dụng thuốc điều trị huyết áp.

Các nghiên cứu trên chủ yếu liên quan tới men chuyển angiotensin (ACE) gây co thắt mạch máu và tăng huyết áp, nằm ở màng ngoài của các tế bào phổi, động mạch, tim, thận và ruột, và các thuốc ức chế cùng các thuốc ức chế thụ thể (ARBs), vốn được sử dụng trong kiểm soát tăng huyết áp và cũng được kê đơn cho các bệnh nhân tiểu đường nhằm bảo vệ thận.

Các thuốc ức chế ACE bao gồm ramipril, lisinopril và các thuốc khác có đuôi -pril; trong khi các thuốc ARB bao gồm valsartan và losartan, và thường có đuôi -sartan.

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin thường được chỉ định cho các bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh thận do đái tháo đường.

Thuốc sẽ chuyển đổi ACE2, có mặt trong phổi, động mạch, tim, thận và ruột, nhằm điều hòa và hạ huyết áp. Vì vậy các thuốc ức chế ACE như Ramipril đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, sử dụng rộng rãi.

[Nhật Bản sẽ cho phép dùng thuốc Remdesivir điều trị bệnh nhân COVID-19]

Tuy nhiên, đã có một số lo ngại phát sinh từ các nghiên cứu trên động vật rằng những loại thuốc này có thể làm tăng mức protein ACE2 trong cơ thể, khi virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, cũng như các chủng virus corona khác bám vào protein này một khi xâm nhập vào tế bào con người, làm gia tăng tăng nguy cơ lây nhiễm cũng như mức độ tổn thương.

Trong khi đó, một số nghiên cứu trên động vật gây tranh cãi khác cũng lại cho thấy việc có nhiều protein ACE2 có thể làm giảm phản ứng viêm trong phổi khi mắc COVID-19, một tác dụng có lợi.

Trưởng nhóm của một trong 3 nghiên cứu, bà Harmony Reynold làm việc tại Trường Y Grossman thuộc Đai học New York (Mỹ) cho biết phát hiện này đã phần nào xua tan nỗi lo lắng của những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị huyết áp khi đang hoang mang không biết có nên tiếp tục dùng thuốc hay không.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các biện pháp phong tỏa để chống COVID-19 dường như khiến nhiều người bị tăng huyết áp, có thể do căng thẳng hay ít vận động, tập luyện hoặc thay đổi thói quen ăn uống.

Mặc dù các nghiên cứu trên mang tính chất "quan sát," nghĩa là các nhà nghiên cứu quan sát tác động của một yếu tố rủi ro thay vì "thực nghiệm,"song phát hiện trên vẫn là một thông tin tích cực khi cả 3 nghiên cứu được thực hiện đối với các nhóm bệnh nhân khác nhau đều có chung thông điệp.

Theo thống kê, gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ, tương đương 108 triệu người, mắc bệnh huyết áp cao.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 trên thế giới khi có hơn 1,1 triệu ca nhiễm 64.789 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục