Thước đo hợp tác kinh tế quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19

Sự hợp tác của Mỹ và Trung Quốc trên phương diện tái cấu trúc trật tự kinh tế quốc tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển kinh tế thế giới thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19.
Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore, cùng với việc Anh chính thức rời khỏi châu Âu, sự đảo chiều của tiến trình hội nhập châu Âu đã trở thành cục diện được xác định và tẩy chay toàn cầu hóa cũng trở thành xu hướng rõ ràng ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, việc Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần phải hợp tác như thế nào trên phương diện tái cấu trúc trật tự kinh tế quốc tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Điều không may là trong những năm qua, Mỹ và Trung Quốc không những không tăng cường hợp tác mà còn bước trên con đường đối kháng lẫn nhau. Điều này đã phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị bước vào năm 2021, giới phân tích dường như đã có thể nhìn thấy một tia hy vọng mới.

15 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hình thành khối thương mại lớn nhất chiếm đến 30% quy mô kinh tế toàn cầu.

Tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu Trung Quốc sẽ tích cực xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại sao CPTPP lại được gọi là hiệp định tiến bộ? CPTPP khác RCEP như thế nào? Trung Quốc tham gia CPTPP có ý nghĩa ra sao đối với hợp tác kinh tế quốc tế? Mong muốn và tính khả thi tham gia CPTPP của Trung Quốc có lớn hay không? Đó là những câu hỏi đang chờ đợi câu trả lời.

Từ thương mại tự do đến thương mại công bằng

Có thể đọc được những bình luận như thế này trên các tạp chí và trang mạng: CPTPP là hiệp thương mại đa phương có tiêu chuẩn cao nhất hiện nay, tiêu chuẩn của RCEP là không thể so sánh…

Tuy nhiên suy cho cùng mức độ cao thấp về tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại có ý nghĩa như thế nào?

Trọng điểm quan tâm trong thời kỳ đầu của các hiệp định thương mại là tự do thương mại, đối tượng nhắm đến là thuế quan và hàng rào phi thuế quan, cũng như những chính sách bảo hộ thương mại như hạn chế nhập khẩu…, mục đích chính là muốn mở cửa thị trường trong nước.

Kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời từ Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), trọng điểm của cơ chế đàm phán và giải quyết tranh chấp cũng là vấn đề thương mại tự do.

[Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức vừa phải]

Tuy nhiên ở các nước phát triển, nhiều người cho rằng kiểu hiệp định thương mại như thế này không mang lại cạnh tranh công bằng.

Năm 1999, khi WTO tổ chức hội nghị ở Seattle, các cuộc biểu tình phản đối của công nhân thất nghiệp trong ngành da giày đã diễn ra vì họ cho rằng họ là nạn nhân của cạnh tranh không bằng; các nhà sản xuất da giày của các nước đang phát triển có thể thuê lao động vị thành viên với mức lương thấp.

Vào thời điểm đó, câu nói của một em bé mười mấy tuổi được phỏng vấn đã lưu lại ấn tượng sâu sắc: “Đôi giày Nike của tôi rẻ hơn được vài USD (làm việc trong nhà máy của Nike), nhưng bố tôi đã mất việc.”

Sau đó, ngày càng nhiều người quan tâm đến sự cạnh tranh không công bằng gây nên từ chênh lệch chi phí trong quá trình sản xuất.

Họ phát hiện rằng ngoài tiêu chuẩn lao động và bảo vệ quyền lợi lao động, trên các khía cạnh như bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…, những nhà sản xuất của các nước phát triển đều đối diện với chi phí cao hơn nên gặp bất lợi trong cạnh tranh.

Thước đo hợp tác kinh tế quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Nông dân làm việc tại một nhà kính trồng nấm ở thành phố Định Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngược lại, ở các nước đang phát triển, phúc lợi xã hội và tiêu chuẩn bảo trợ lao động của công nhân đều tương đối thấp, bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng không được coi trọng, môi trường kinh doanh của các nhà sản xuất ở đây có lợi thế cạnh tranh tương đối về chi phí.

Ngay cả ở trong cùng một nước phát triển, hai doanh nghiệp vốn có năng lực cạnh tranh tương đương, nhưng nếu một doanh nghiệp chuyển đến nước đang phát triển thì doanh nghiệp còn lại phải đối diện với sức ép cạnh tranh lớn.

Tương tự, ở cùng một nước đang phát triển, các nhà máy chuyển từ khu vực có tiêu chuẩn bảo trợ xã hội cao đến khu vực có tiêu chuẩn thấp hơn cũng sẽ có được lợi thế chi phí.

Vì vậy, những người chịu ảnh hưởng tiêu cực của thương mại tự do đã thông qua tổ chức công đoàn và bảo vệ môi trường để kêu gọi, yêu cầu đưa vào điều khoản công bằng thương mại trong các hiệp định thương mại, điều phối tiêu chuẩn bảo trợ xã hội không thống nhất của các nước ký kết, ngăn chặn việc hạ thấp tiêu chuẩn để cạnh tranh.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này không được coi trọng trong một thời gian tương đối dài.

Các nước đang phát triển cho rằng tình hình đất nước họ không giống nhau, các mối quan tâm trọng điểm cũng khác nhau, nên tiêu chuẩn bảo trợ xã hội cũng không thể thống nhất với các nước phát triển.

Do doanh nghiệp của các nước phát triển có thể chuyển đến các nước đang phát triển để có được lợi nhuận cao hơn, nên họ cũng không cảm thấy cần thiết phải chú trọng đến thương mại công bằng.

Giới tinh hoa cho rằng toàn cầu hóa là xu hướng phát triển tất yếu để thực hiện thị trường tự do thống nhất toàn cầu, nên việc khởi xướng quy tắc công bằng thương mại bị coi là một biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và bị bỏ qua.

[Forbes: Doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc]

Tuy nhiên, cùng với tiến trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng thu nhập của các nước phát triển ngày càng trầm trọng.

Do phải thắt lưng buộc bụng về tài chính, không thể bù đắp cho những doanh nghiệp bị thiệt hại do thương mại tự do gây nên, các ràng buộc xã hội vốn có bị phá vỡ, mâu thuẫn xã hội không ngừng gia tăng, và dần biến thành sự phân cực chính trị đã làm lung lay nền tảng chế độ của các nước dân chủ.

Rõ ràng, hệ thống thương mại quốc tế nhấn mạnh thương mại tự do và xem nhẹ thương mại công bằng hiện nay đã không còn bền vững.

Số liệu thống kê cho thấy những lời kêu gọi thương mại công bằng ở các nước phát triển đã nhận được sự quan tâm thực sự.

Trong những hiệp định thương mại song phương được ký kết những năm gần đây, các nước phát triển ngày càng chú trọng đến điều khoản bảo vệ quyền lợi lao động và bảo vệ môi trường.

Kết quả nghiên cứu của hai chuyên gia Bastiaens và Postnikov công bố năm 2020 phát hiện việc bổ sung điều khoản bảo trợ xã hội vào các hiệp định thương mại sẽ tăng thêm sự ủng hộ của người dân các nước đối với phát triển thương mại tự do.

Do đó, muốn tiếp tục phát triển thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển, thì không thể né tránh yêu cầu thương mại công bằng.

Xét từ góc độ này, các hiệp định thương mại thế hệ mới quan tâm đến thương mại công bằng tiêu chuẩn cao hơn là một tiến bộ so với những hiệp định thương mại thế hệ cũ chỉ quan tâm đến thương mại tự do.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên chú trọng đến thương mại công bằng, đã xác lập tiêu chuẩn mới cho các hiệp định thương mại đa phương trên các phương diện bảo vệ quyền lợi lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Ngoài ra, CPTPP cũng đã quy định đối với vấn đề tự do hóa Internet, yêu cầu thông suốt dòng chảy dữ liệu, cũng như chú ý đến tác động méo mó gây nên đối với cạnh tranh công bằng của doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp nhà nước, quy định rõ ràng hơn đối với cơ chế giải quyết tranh chấp.

Ý nghĩa quan trọng của việc Trung Quốc tham gia CPTPP

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút khỏi đàm phán TPP, 11 nước còn lại đã đổi tên, hoàn thành việc đàm phán và ký kết CPTPP vào năm 2018.

Sự rút lui của Mỹ khiến một số điều khoản vốn được Washington quan tâm bị loại ra khỏi hiệp định, song chương về doanh nghiệp nhà nước trong văn bản TPP vẫn được đưa vào CPTPP mà không có bất kỳ thay đổi nào, yêu cầu nước ký kết phải chia sẻ thông tin doanh nghiệp nhà nước của mình, đồng thời quy định rõ việc nghiêm cấm và hạn chế ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều người cảm thấy bất ngờ về việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia CPTPP, bởi vì Trung Quốc luôn cho rằng doanh nghiệp nhà nước là đặc trưng chủ yếu của mô hình kinh tế Trung Quốc, lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp là chủ quyền của Trung Quốc, không bị WTO nghiêm cấm, đồng thời cũng không nên gắn với đàm phán thương mại.

Lập trường của Trung Quốc về vấn đề này là rất rõ ràng, và cũng chưa từng nhượng bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Nếu Trung Quốc sẵn sàng đàm phán vấn đề doanh nghiệp nhà nước với các nước ký kết CPTPP, chứng tỏ Trung Quốc chấp nhận đưa doanh nghiệp nhà nước vào tính hợp lý của đàm phán thương mại và hiệp định thương mại, và điều này chắc chắn có ý nghĩa mang tính dấu ấn đối với triển vọng hợp tác kinh tế quốc tế.

Mặt khác, ngay từ những năm 1990, các nước đang phát triển đã loại trừ vấn đề bảo vệ quyền lợi lao động và bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình nghị sự của WTO.

Do đó, Mỹ mất lòng tin đối với WTO, cho rằng WTO không có năng lực giải quyết tính hiệu quả các vấn đề thương mại.

Do khung quản lý của WTO không đủ để bảo vệ thương mại công bằng, Mỹ bắt đầu làm lại từ đầu, thiết lập quy tắc thương mại mới thông qua các kênh thay thế.

Trong khi đó, Trung Quốc lại luôn nhất quán cho rằng ngay cả khi muốn thay đổi những quy tắc thương mại hiện có, cũng cần phải đi theo lộ trình đa phương, thông qua phương pháp cải tổ WTO để thực hiện.

Bất kỳ phương thức rời bỏ WTO nào cũng đều là từ bỏ chủ nghĩa đa phương thương mại, là hành vi của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Do đó, nếu Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ký kết CPTPP đàm phán điều khoản thương mại công bằng, chứng tỏ Trung Quốc đã nhận thức được mức độ khó khăn của việc cải tổ WTO, mong muốn tìm kiếm sự cải tiến đối với các quy tắc thương mại trong khuôn khổ đàm phán đa phương như CPTPP.

Điều này có ý nghĩa chỉ báo quan trọng đối với những thay đổi của khung quản trị thương mại thế giới.

Tóm lại, Trung Quốc tham gia CPTPP là một hàn thử biểu quan trọng.

Nếu Trung Quốc và các nước phát triển như Nhật Bản, Canada, Australia… có thể đạt được đồng thuận về các vấn đề tiêu chuẩn bảo trợ xã hội và doanh nghiệp nhà nước, lập trường của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc về những vấn đề này trong thương mại công bằng và cải cách khung quản trị thương mại toàn cầu sẽ gần nhau hơn, triển vọng hợp tác kinh tế quốc cũng sẽ lạc quan hơn.

Mong muốn và tính khả thi của việc Trung Quốc tham gia CPTPP

Nhiều người có thái độ hoài nghi về việc Trung Quốc tham gia CPTPP.

Có người cho rằng Trung Quốc tham gia CPTPP chỉ là muốn chủ đạo quyền xác lập quy tắc cạnh tranh, kết quả của việc này là tiêu chuẩn của CPTPP sẽ bị hạ thấp. Tuy nhiên lập luận này chưa được xem xét kỹ lưỡng, bởi việc một quốc gia tham gia CPTPP cần nhận được sự đồng ý thống nhất của các nước thành viên hiện nay.

Thước đo hợp tác kinh tế quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19 ảnh 2Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong số 11 nước ký kết CPTPP có 7 nước đồng thời cũng là thành viên của RCEP, nên việc hạ thấp tiêu chuẩn CPTPP sẽ không có bất cứ sức hấp dẫn nào đối với những nước này.

Bên cạnh đó cũng có nhiều người cho rằng Trung Quốc tham gia CPTPP là sự thúc ép của tình hình quốc tế.

Môi trường quốc tế mà Trung Quốc đang đối diện sau khi Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm không những không được cải thiện, mà ngược lại do tân Tổng thống Joe Biden khéo phối hợp hơn với châu Âu và Nhật Bản…, áp dụng lập trường thống nhất đối với Trung Quốc, nên sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn lớn hơn.

Nếu quá cứng nhắc về chính sách doanh nghiệp nhà nước và sản xuất công nghiệp, có thể khiến cho cộng đồng quốc tế có ấn tượng Trung Quốc không sẵn sàng cải cách, từ đó rơi vào trạng thái bị cô lập.

Mặc khác, kiên trì nền tảng đàm phán đa phương dựa vào WTO cũng rất khó đạt được kết quả.

Những chỉ trích của Mỹ đối WTO, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều có sự đồng cảm.

Không có sự ủng hộ của những quốc gia thương mại chủ chốt này, WTO chỉ có thể rơi vào trạng thái tê liệt như vòng đàm phán Doha.

Quả thực việc Trung Quốc tham gia CPTPP còn có sự cân nhắc của nhân tố trong nước.

Là quốc gia thu nhập trung bình đã giải quyết được vấn đề ăn mặc, nhu cầu và yêu cầu của người dân đối với việc cải thiện môi trường sinh thái đã tăng lên đáng kể, đồng thời họ cũng bắt đầu quan tâm, tranh luận đối với vấn đề cường độ làm việc 996 (9 giờ sáng đi làm, 9 giờ tối tan ca) và vấn đề “làm việc đến chết”.

Những năm gần đây, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mạnh cũng đã dấy lên tiếng nói tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có một nền tảng và tiếng nói dư luận lớn ở Trung Quốc.

Do đó, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đã đưa ra một số phản ứng điều chỉnh.

Năm 2008, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện Luật hợp đồng lao động, sau năm 2013 phát động nhiều chương trình giám sát bảo vệ môi trường, năm 2020 tiếp tục sửa đổi Luật sáng chế, bổ sung cơ chế bồi thường để trừng phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điều quan trọng hơn là tham gia CPTPP còn có thể thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Nên biết rằng, cải cách thường bị thúc ép. Giữa thập niên 1990, khu vực kinh tế nhà nước của Trung Quốc thua lỗ tổng thể, chính quyền trung ương và địa phương đều không có năng lực tiếp tục trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, buộc phải thực hiện một cuộc cải cách quan trọng “giữ lớn bỏ nhỏ”.

Mấy năm sau, khi cuộc cải cách bắt đầu có hiệu quả, tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện, mức độ sẵn sàng cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng suy giảm theo, hơn nữa còn xuất hiện làn sóng “thoái vốn nhà nước khỏi khu vực tư nhân”.

Tình hình hiện nay là khu vực kinh tế nhà nước một lần nữa rơi vào tình cảnh khó khăn hiệu quả thấp.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mặc dù doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được hưởng ưu đãi và trợ cấp ngầm của nhà nước về đất đai và tài chính, nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản từ năm 2015 đến nay chỉ thấp ở mức 2%, năng suất sản xuất cũng chỉ bằng khoảng 40% khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Do đó, nếu có thể dựa vào lực lượng bên ngoài để thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, thì điều này sẽ có tác dụng quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường sức sống của nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế.

Do đó, việc Trung Quốc cân nhắc tham gia CPTPP có lẽ cũng là một tính toán chiến lược để thúc ép doanh nghiệp nhà nước cải cách.

Nhìn chung, việc Trung Quốc tham gia CPTPP không những là mong muốn mãnh liệt, mà còn có nền tảng dân ý vững chắc.

Tuy nhiên, sự cải cách này liên quan đến lợi ích đang có, nên chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của một bộ phận bên trong.

Việc có thành công hay không thì phải xem trí tuệ và sức hút chính trị của các nhà lãnh đạo, đồng thời cũng phải xem Trung Quốc và các nước thành viên CPTPP tương tác và xây dựng lòng tin lẫn nhau như thế nào.

Hiệp định đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU (CAI) được ký kết gần đây không những mở rộng tiêu chuẩn tiếp cận thị trường, mà còn đạt được sự đồng thuận nhất định đối với các vấn đề như cải thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng, chuẩn mực hành vi của doanh nghiệp nhà nước, quy định nghĩa vụ về mức độ minh bạch trợ cấp của chính phủ, nghiêm cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ…

Việc ký kết hiệp định đầu tư này đã làm tăng thêm tính khả thi tham gia CPTPP của Trung Quốc.

Trong 5 năm tới, mức độ thuận lợi thực hiện hiệp định đầu tư cũng như nỗ lực và tiến triển tham gia CPTPP của Trung Quốc đều sẽ là thước đo quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục