Thuê tư vấn hỗ trợ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hoàn thành sẽ cần thuê một tư vấn có đủ năng lực để hướng dẫn quản lý vận hành khai thác sau bàn giao.
Thuê tư vấn hỗ trợ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông ảnh 1Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sau khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông hoàn thành, Hà Nội sẽ tiếp nhận vận hành và khai thác. Thế nhưng, đơn vị vận hành khai thác chưa có đủ kinh nghiệm, vì vậy cần thuê một tư vấn có đủ năng lực để hướng dẫn quản lý vận hành khai thác sau bàn giao.

Tuy nhiên nội dung này không có trong họp đồng EPC của dự án. Do đó Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát vốn của dự án, nếu trường họp không đủ vốn, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố thực hiện.

[Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào tháng Tám]

Sau khi rà soát nguồn vốn của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định trong phạm vi tổng mức đầu tư dự án không có hạng mục tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác, đến nay không còn nguồn dự phòng để chi trả cho hạng mục phát sinh này.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ động xem xét bố trí nguồn vốn hợp pháp của thành phố và triển khai các thủ tục cần thiết nhằm nâng cao năng lực cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (vốn điều lệ 1.781 tỷ đồng) với nhiệm vụ chính là thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống đường sắt đô thị và một số nhiệm vụ khác như tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân đáp ứng nhu cầu phát triển ngành...

Do vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn từ vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội để thực hiện công việc tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (công việc này thuộc hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của Công ty).

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội triển khai công việc tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bằng nguồn vốn điều lệ của Công ty.

Hiện nay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được đóng điện lưới quốc gia. Ngay từ đầu tháng Bảy này, các đoàn tàu đã bắt đầu được chạy thử đơn động, chuẩn bị cho vận hành thử tàu toàn tuyến vào tháng Tám tới đây, sớm hơn một tháng so với dự kiến trước đây, để đưa dự án vào vận hành chính thức.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện lưới Quốc gia. (Nguồn: VNEWS)

Ban Quản lý dự án cho biết, dự án đến nay đã hoàn thành khoảng 96% khối lượng xây lắp (chưa gồm hạng mục thiết bị) và đang triển khai các hạng như hoàn thiện cầu thanh lên xuống các nhà ga, đường nội bộ, kiến trúc khu Depot, đấu nối thoát nước khu gian ga đường vành đai 3.

Đến nay, Tổng thầu Trung Quốc đã đưa toàn bộ các đoàn tàu và khoảng 95% vật tư, thiết bị đã được đưa về công trường, trong đó đã hoàn thành lắp đặt khoảng 79%./.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến cuối năm 2018 mới khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục