Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu thuê tư vấn độc lập đánh giá nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy.
Trong buổi kiểm tra vết nứt tại thân trụ T22 cầu Vĩnh Tuy vào chiều 26/2, với sự tham gia của một số thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cùng các chuyên gia; Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn tập trung xử lý vết nứt này, trong đó có phương án thuê đơn vị tư vấn độc lập (tư vấn có kinh nghiệm trong nước hoặc tư vấn nước ngoài) để đánh giá lại nguyên nhân gây nứt và theo dõi quá trình diễn biến của vết nứt.
Nguyên nhân cũng như đánh giá tác động về việc ảnh hưởng đến độ an toàn cũng như tuổi thọ công trình phải được công bố công khai. - Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu thực hiện kiểm tra các trụ trên toàn tuyến cầu Vĩnh Tuy để có thể sớm phát hiện, kiểm soát những dấu hiệu “bất thường” tại hệ thống chịu lực của cầu.
Bộ trưởng yêu cầu đảm bảo sự an toàn và tuổi thọ công trình phải đặt lên hàng đầu vì nó liên quan đến tính mạng của người dân.
Việc kiểm tra đánh giá, tư vấn cần phải có thời hạn để làm thật cẩn thận, chắc chắn để người dân yên tâm khi tham gia lưu thông trên cầu Vĩnh Tuy - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết đa số các cầu bị phá hủy hiện nay ở trên thế giới đều do tác động của tải trọng ngang, xuất phát từ nguyên nhân động đất, tàu bè va phải chứ tải trọng nếu theo phương thẳng thì rất an toàn. Bởi vậy, vấn đề này cũng không có gì quá lo lắng nhưng vẫn phải thận trọng và làm hết trách nhiệm để đảm bảo an toàn chất lượng công trình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần rà soát toàn bộ các cầu trên địa bàn thành phố đồng thời khẳng định thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu kiểm định lại chất lượng hệ thống cầu treo trên toàn quốc.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn - Chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, tại thời điểm cuối năm 2010, thân trụ T22 xuất hiện hiện tượng nứt theo phương dọc.
Qua theo dõi, vết nứt này phát triển dọc theo thân trụ lên phía trên và mở rộng dần. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, vết nứt này không phát triển nữa. Ngoài ra, tại trụ T23 và T24 còn có các vết nứt dăm nhỏ, hiện vẫn được đơn vị quản lý cầu theo dõi và chưa nhận thấy hiện tượng phát triển.
Cầu Vĩnh Tuy được đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 9/2010 và do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (Tedi) thiết kế, Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải là đơn vị tư vấn giám sát, Tổng công ty xây dựng Thăng Long thi công.
Ngay sau khi sự việc được phản ánh, các bên liên quan đã có báo cáo nhanh về Cục Giám định. Theo đó, Tedi kiến nghị cần có phương án tiếp tục theo dõi diễn biến của vết nứt sau khi được khắc phục để có biện pháp xử lý kịp thời; yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ định một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá mức độ ảnh hưởng do vết nứt và đề xuất phương án xử lý.
Tại hiện trường, vết nứt có thể quan được bằng mắt thường và hiện cơ quan chức năng đã thực hiện biện pháp “siêu âm” để bắt bệnh. Hiện tượng này không nằm trong vùng mômen lớn, không có các vết nứt ngang mà chủ yếu là nứt dọc. Nếu tính toán, tải trọng lưu thông không thể là nguyên nhân gây nứt dọc, không phải do chịu tác động lực nén lớn mà có thể do quá trình thi công giữa việc ứng suất nhiệt bê tông khối lớn kết hợp với co ngót đã tạo thành vết nứt này. Ban đầu không xuất hiện vết nứt mà trải qua thời gian vận hành sử dụng mới có nhưng hiện nay cũng đã dừng phát triển và cơ quan duy tu báo là không có phát sinh tiếp.
Ông Nguyễn Văn Nhậm - Bộ môn Cầu của Trường Đại học Giao thông - nguyên thành viên Tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình cầu Vĩnh Tuy cho biết trên thế giới hiện tượng nứt tại các trụ cầu kiểu này cũng xảy ra khá nhiều, ngay cả cầu Hàng Châu - đệ nhất cầu vòm của Trung Quốc.
Tại Cầu Vĩnh Tuy, vết nứt nằm ở trụ chịu lực có tiết diện ngang (chịu lực không lớn) nên không quá nghiêm trọng. Vết nứt nằm ở trụ chịu nén đồng thời uốn và chưa ảnh hưởng đến an toàn của cầu nên vẫn có thể khai thác bình thường nhưng vẫn phải đồng thời cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Cơ quan chuyên môn cần theo dõi khả năng phát triển của vết nứt, đánh giá chính xác nguyên nhân. Trước mắt, cần bơm keo để hơi nước, nước không thấm vào gây ẩm và phá hủy cốt thép. Sau khi đã xác định nguyên nhân thì sẽ có giải pháp toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết Sở được giao chức năng quản lý các công trình cầu trên địa bàn. Đối với công trình cấp 1 như cầu Vĩnh Tuy thì đều có quan trắc và theo dõi thường xuyên.
Ngay sau khi xuất hiện vết nứt, đơn vị quản lý đã báo cáo để Sở phối hợp với các chuyên gia, đơn vị tư vấn thiết kế theo dõi, giám sát. Sau mùa lũ 2013, vết nứt không có diễn biến phát triển. Trên cơ sở đó, Sở cũng các chuyên gia Tedi đã khẳng định công trình vẫn an toàn. Đối với các cầu bêtông dự ứng lực thì dạng nứt dọc trụ đều ít nhiều xuất hiện với mức độ khác nhau. Vì vậy, việc quan trắc và giám sát vẫn được thực hiện chặt chẽ./.