Thuế nhập khẩu 19 dòng linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tăng kịch trần

Có 19 dòng hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nằm trong diện xem xét thuế nhập khẩu bằng mức trần cam kết WTO, tức là tăng khoảng 5-15% so với hiện tại.
Thuế nhập khẩu 19 dòng linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tăng kịch trần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Có 19 dòng hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nằm trong diện xem xét thuế nhập khẩu bằng mức trần cam kết WTO, tức là tăng khoảng 5-15% so với hiện tại.

Đây là nội dung trong dự thảo “Thông tư sửa đổi, bổ sung thuế nhập khẩu một số mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nhằm thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg” vừa được ngành tài chính gửi tới các đơn vị liên quan.

Dẫn lại Quyết định số 229/QĐ-TTg, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, điều kiện để áp dụng mức thuế trần theo các cam kết là các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.

Bởi vậy, Bộ Tài chính nhấn mạnh, nguyên tắc điều chỉnh sẽ là: Nếu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành đã được quy định bằng mức trần cam kết WTO thì giữ nguyên như mức thuế hiện hành, nếu thấp hơn thì điều chỉnh tăng bằng trần cam kết.

Kết quả rà soát cho thấy, có 47/201 dòng hàng là linh kiện, phụ tùng thuộc danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được trong đó có 19 dòng hàng có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO thuộc đối tượng xem xét điều chỉnh tăng thuế.

Thuế nhập khẩu 19 dòng linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tăng kịch trần ảnh 2So sánh biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe ôtô trước và sau 1/7/2016. (Đồ họa: Doãn Đức/Vietnam+)

Một số linh kiện, phụ tùng cụ thể trong diện này như: Kính an toàn cứng, kính an toàn nhiều lớp tăng thuế suất từ 20% lên 25%; Mặt hàng bộ bánh răng và cụm bánh răng ăn khớp tăng mức thuế suất từ 10% lên 20%; Bộ phận và phụ kiện khác của thân xe tăng mức thuế suất từ 15% lên 20%; Phanh và trợ lực phanh tăng từ 20% lên 22%; Ống xả và bộ giảm thanh dự tính mức thuế mới là 25% thay cho mức 20% hiện hành,

Tuy nhiên, đề xuất với các cơ quan chức năng khác, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, yêu cầu phụ tùng ôtô sản xuất trong nước “phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng” là chưa rõ vì rất khó để xác định như thế nào là “đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.”

Câu hỏi được đại diện ngành tài chính đặt ra là: yêu cầu về chất lượng tức là cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn nào, tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế, áp dụng riêng cho từng chủng loại xe hay đáp ứng chung cho tất cả các loại xe, chất lượng sản xuất hay chất lượng đăng kiểm…

Về số lượng, thắc mắc cũng được đưa ra là: số lượng theo nhu cầu lắp ráp xe trong nước hay số lượng theo mục tiêu nêu tại Chiến lược và quy hoạch, thời điểm nào để xác định linh kiện đạt yêu cầu về số lượng,..

Qua đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng danh mục các loại phụ tùng, linh kiện trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục