Google sẽ nộp 551 triệu USD (498 triệu euro) tiền phạt để kết thúc cuộc điều tra về "trốn thuế nghiêm trọng" tại Pháp, chưa tính đến 513 triệu USD tiền thuế bổ sung.
Theo phân tích của tờ Le Monde, các khoản tiền lớn này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ với Paris.
Nhiều năm kiện tụng và đàm phán giữa Google và Pháp đã kết thúc vào ngày 12/9 với chiến thắng nghiêng về phía Pháp.
Google đã chấp nhận trả gần một tỷ USD cho Paris để khép lại tất cả các vụ điều tra pháp lý và thuế do Viện Kiểm sát Tài chính quốc gia tiến hành từ năm 2015 nhằm vào tập đoàn công nghệ Mỹ này.
Khoản tiền phạt 551 triệu USD đã được Tòa án Paris hợp thức hóa, trong khuôn khổ Công ước tư pháp về lợi ích công cộng - một công cụ pháp lý mới cho phép nhận bồi thường thiệt hại mà không cần chờ kết quả của vụ kiện.
Viện Kiểm sát Tài chính quốc gia cáo buộc Google đã trốn thuế với khoản tiền hơn 189 triệu euro trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016.
Các văn phòng ở Paris của Google đã bị khám xét vào tháng 5/2016. Khoảng 100 cảnh sát và chuyên gia tin học đã được huy động trong chiến dịch mang tên "Tulipe" này.
Theo Bộ trưởng Tài khoản công Gérald Darmanin, việc kết thúc cuộc chiến pháp lý giữa Pháp và Google trị giá gần một tỷ USD "mang tính lịch sử đối với tài chính công."
Trên thực tế, thỏa thuận này là kết quả của bối cảnh chính trị ấm lên trong quan hệ giữa Mỹ và Pháp, liên quan đến vấn đề gai góc là đánh thuế vào thu nhập của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhất là các "ông lớn" GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon).
[Google chấp nhận trả 1 tỷ USD vì các tranh cãi về thuế thu nhập ở Pháp]
Những tập đoàn có khả năng tài chính khổng lồ này là bậc thầy trong nghệ thuật "né" thuế, với cấu trúc gọn nhẹ và dễ dàng chuyển lợi nhuận sang các "thiên đường thuế."
Google sử dụng Ireland, nơi áp dụng chế độ ưu đãi thuế hào phóng, làm xương sống cho các hoạt động của mình để giảm các khoản thuế phải đóng.
Sau khi chọc giận chính quyền Tổng thống Trump vào tháng 7/2019 với việc công bố thuế đánh vào các công ty công nghệ, và đã nhận được lời đe dọa trả đũa thuế quan của Tổng thống Mỹ, Pháp đã giảm áp lực khi tuyên bố sẽ tuân thủ quyết định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về dự án thuế GAFA.
Theo đó khi dự án thuế này được hoàn thành vào tháng 1/2020, nó sẽ thay thế thuế của Pháp. Hơn nữa, Pháp cam kết sẽ hoàn trả khoản chênh lệch giữa hai loại thuế trên cho các "ông lớn" công nghệ số.
Có thể nói, thỏa thuận giữa Pháp và Google là một phần của việc tìm kiếm các giải pháp phối hợp giữa hai bờ Đại Tây Dương, dưới sự bảo trợ của OECD.
Trong bối cảnh chính trị hiện nay, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các cam kết. Họ sẵn sàng, như trường hợp của Google tại Pháp, nộp trả tiền thuế.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà Google chịu "mở ví". Các thỏa thuận về thuế cũng vừa được ký kết với Anh và Italy.
Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn tuyên bố rằng "việc cải cách đồng bộ hệ thống thuế quốc tế là cách tốt nhất để cung cấp một khuôn khổ rõ ràng cho các công ty hoạt động trên toàn thế giới."
Về phần mình, một số đại gia công nghệ khác cũng đã thỏa thuận với Cơ quan Thuế Pháp trong những năm gần đây. Apple đã đồng ý thanh toán 500 triệu euro tiền truy thu thuế trong vòng 10 năm trở lại đây.
Cho dù Google có 10 ngày để rút lại quyết định của mình, Viện Kiểm sát Tài chính quốc gia Pháp bày tỏ sự hài lòng vì đã đạt được Công ước tư pháp về lợi ích công cộng lần thứ 2.
Công cụ pháp lý này được áp dụng lần đầu tiên tại Pháp vào tháng 6/2019 trong vụ gian lận thuế của công ty tài chính Carmignac Gestion.
Chủ tịch Hiệp hội chống tham nhũng Pháp Marc-Andre Feffer tin rằng công cụ pháp lý này rất hiệu quả trong việc xử phạt các vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính và trốn thuế trong khoảng thời gian hợp lý, cũng như đảm bảo việc bồi thường thiệt hại./.