Thực thi CPTPP: 'Tránh tâm lý cộng đồng doanh nghiệp thụ động'

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi thực thi CPTPP, cần tránh tâm lý cộng đồng doanh nghiệp thụ động, thiếu sự tiếp cận chủ động mà đợi chờ cơ chế hỗ trợ.
Thực thi CPTPP: 'Tránh tâm lý cộng đồng doanh nghiệp thụ động' ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sự đồng thuận đã phản ánh nhận thức, hiểu biết sâu sắc của tất cả các đại biểu Quốc hội, đồng thời phản ánh nguyện vọng và ý chí của cử tri và nhân dân đối với sự kiện rất quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của Việt Nam trong quá trình hội nhập có hiệu quả với thế giới.

"Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại nhưng đây là cơ hội để chúng ta có thể chuyển biến các tình huống chung trên thế giới trở thành cơ hội cho chúng ta và khai thác những cơ hội này, biến nó thành động lực cho phát triển," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết của Hiệp định CPTPP, về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có một số chia sẻ những nội dung và công việc mà cơ quan này đang tiến hành.

[Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP]


- Thưa Bộ trưởng, ngay say khi CPTPP được quốc hội phê chuẩn, về phía Bộ Công Thương sẽ triển khai những công việc gì tiếp theo?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đầu tiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao làm thủ tục pháp lý thông báo với nước lưu chiểu là New Zealand để khẳng định việc phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, nghĩa là thủ tục pháp lý của Việt Nam đã hoàn tất để cùng với các nước khác đưa Hiệp định vào hiệu lực.

Tiếp đến, công việc rất cần triển khai sớm là chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và then chốt vì Hiệp định còn rất ít thời gian sẽ có hiệu lực.

Đây là hiệp định rất toàn diện, tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước ta ngay trong năm 2019 tới. Vì vậy việc tổ chức xây dựng chương trình hành động tổng thể cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa then chốt để các chủ thể có điều kiện triển khai hành động, khai thác các thời cơ, vượt qua thách thức.

Trong quá trình triển khai thực hiện, phải đặc biệt rút kinh nghiệm từ việc ký kết và thực hiện các hiệp định trước cũng như việc gia nhập WTO. Các bài học kinh nghiệm vẫn còn nóng hổi ở cả góc độ vĩ mô và các câu chuyện rất cụ thể.

Một số vấn đề cần phải có cách tiếp cận toàn diện và tổng thể hơn, chẳng hạn như quan điểm tiếp cận với khu vực doanh nghiệp phải được coi là then chốt vì đây là yếu tố đảm bảo sự thành bại của nền kinh tế. Trong chương trình hành động, vai trò của nhà nước, chính quyền các cấp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phải làm rõ ràng.

Đặc biệt cần tránh tâm lý cộng đồng doanh nghiệp thụ động, thiếu sự tiếp cận chủ động mà đợi chờ cơ chế hỗ trợ. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận tác động của Hiệp định có thể gây thiệt hại cho một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... nhưng chúng ta phải xác định rõ tinh thần kinh tế thị trường với sự chủ động của doanh nghiệp.

Đây là bài học đặt ra. Vai trò của Hiệp hội là rất quan trọng, nhà nước không thể vươn bàn tay mình để hỗ trợ từng doanh nghiệp mà phải thông qua bàn tay nối dài là các Hiệp hội ngành hàng.

- Về phía các cơ quan chức năng, theo Bộ trưởng cần chủ động tuyên truyền và thực hiện các công việc gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo tôi, chính quyền địa phương phải chủ động hơn nữa trong tổ chức triển khai các khung khổ pháp luật, nhất là các khung khổ pháp luật có tính chất bao trùm như CPTPP lần này.

Chương trình hành động sẽ nội luật hóa để thực thi các cam kết của chúng ta. Chúng ta đã có quá trình rà soát tất cả các quy định của pháp luật liên quan đến kinh tế, xã hội. Sửa đổi luật pháp là để tạo ra các khung khổ pháp lý tốt hơn, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Chính việc nội luật hóa sớm cũng sẽ thúc đẩy cải cách của chúng ta, tạo động lực cho tăng trưởng, giúp doanh nghiệp cọ xát với thực tiễn cạnh tranh.

Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các quốc gia khác trong CPTPP để triển khai tiếp khung khổ hợp tác. Chúng ta còn những cơ chế giám sát thực thi Hiệp định, phải khẩn trương phối hợp với các quốc gia để thực hiện.

- Với một Hiệp định thế hệ mới như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động hội nhập và đón nhận thành công từ CPTPP như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta tự tin khẳng định đã xây dựng chiến lược về hội nhập, trong đó có những quan điểm và sáng kiến rất cụ thể trong việc đàm phán, ký kết CPTPP, chưa kể hàng loạt Hiệp định khác...

Phải khẳng định, Chủ động ở đây không phải chỉ là đưa ra ý tưởng để triển khai mà phải nghiên cứu, đánh giá để đưa ra chiến lược mang tính khoa học. Sự chủ động còn thể hiện ở chỗ chúng ta biết tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm từ quá trình hội nhập trước để hoàn thiện chiến lược hội nhập, triển khai thực chất, bền vững và hướng tới hiệu quả.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 7 Điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand.

Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ, 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng) để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Tận dụng cơ hội từ hiệp định CPTPP. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục