Thực tế phát triển hợp tác hàng hải giữa Ấn Độ và ASEAN

An ninh hàng hải là một trong những yếu tố quan trọng trong quan hệ của Ấn Độ với ASEAN nên ngay từ khi bắt đầu chính sách hướng Đông, Ấn Độ đã quan tâm đến việc phát triển kiến trúc an ninh hàng hải.
Thực tế phát triển hợp tác hàng hải giữa Ấn Độ và ASEAN ảnh 1(Nguồn: orfonline.org)

Trang VIF Ấn Độ (vifindia.org) mới đây đăng bài viết của Pankaj Jha, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh thuộc trường Đại học quốc tế (Đại học toàn cầu Jindal), về thực tế phát triển hợp tác hàng hải giữa Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nội dung như sau:

An ninh hàng hải là một trong những yếu tố quan trọng trong mối quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN. Ngay từ khi bắt đầu chính sách hướng Đông, Ấn Độ đã quan tâm đến việc phát triển kiến trúc an ninh hàng hải với các nước Đông Nam Á.

Với mục tiêu này, Ấn Độ luôn mong muốn tập hợp các bên liên quan lại với nhau trong cấu trúc an ninh châu Á lớn hơn. Theo sáng kiến này, Ấn Độ cố gắng tiếp cận với các nước ASEAN để phát triển năng lực và khả năng thông qua việc đào tạo và hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Trận sóng thần năm 2004 là một trong những thảm họa thiên nhiên cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của các quốc gia Đông Nam Á. 

Là một trong những cường quốc nổi bật ở khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang cố gắng thu hút sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á - đặc biệt là Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia - trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS) được bắt đầu từ năm 2008 và được coi là một trong những hình thức hợp tác quan trọng giúp hợp nhất Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

Sự tham gia của Ấn Độ với các quốc gia Nam Thái Bình Dương cũng như với Papua New Guinea và Timor Leste thể hiện tầm nhìn mở rộng của chính sách hành động hướng Đông. Hơn nữa, Ấn Độ bắt đầu đào tạo cho các nhân viên của Lào và Campuchia thông qua chương trình đào tạo thường xuyên, đồng thời giúp Việt Nam và Malaysia đào tạo phi công và kỹ thuật viên.

Với Indonesia, ngoài các cuộc phối hợp tuần tra, Ấn Độ đang tìm cách hồi sinh các ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia này, sản xuất các phương tiện quân sự như tàu sân bay bọc thép và phát triển bệ tàu.

Đã có những ý kiến tán thành việc phát triển công nghiệp quốc phòng ASEAN, nhưng do vấn đề tài chính và thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ có thể hỗ trợ mạng lưới công nghiệp quốc phòng ASEAN nên ý tưởng này chưa thành hiện thực.

[Thủ tướng đề nghị Ấn Độ ủng hộ ASEAN duy trì hòa bình ở Biển Đông]

Các nước ASEAN đang nhập khẩu một loạt thiết bị quốc phòng từ Nga và Trung Quốc. Nhiều quốc gia - những nước đang sử dụng thiết bị vũ khí quân sự của Nga - đã hợp tác với Ấn Độ để đào tạo thủy thủ và kỹ thuật viên bảo trì trang thiết bị vũ khí và phát triển các thiết bị cần thiết. 

Cũng liên quan tới vấn đề này, người ta thấy rằng Ấn Độ muốn thu hút sự tham gia của các nước ASEAN ở 3 cấp độ khác nhau, gồm cam kết song phương, đối thoại đa phương và tăng cường các chuyến thăm nhằm phát triển khả năng hợp tác và thúc đẩy thường xuyên các tương tác với các quốc gia bên ngoài Ấn Độ Dương.

Theo sáng kiến này, Ấn Độ có thỏa thuận quốc phòng với 9/10 nước Đông Nam Á. Các hiệp định quốc phòng hoặc biên bản ghi nhớ quốc phòng là công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến thăm cấp cao và trao đổi nhân sự cho các chương trình đào tạo.

Người ta luôn thấy rằng các quốc gia như Singapore, Việt Nam, Indonesia và Malaysia phát triển mối quan hệ tốt hơn với cơ sở quốc phòng của Ấn Độ. Tuy nhiên, về vấn đề để Ấn Độ trở thành một bên liên quan trong sáng kiến an ninh Eo biển Malacca, Malaysia và Indonesia trước đây đã tỏ ra dè dặt. Ấn Độ luôn tuyên bố rằng nước này hành động như một cường quốc ôn hòa, hỗ trợ các biện pháp an ninh tốt hơn và bảo vệ các tuyến đường giao thông liên lạc trên biển vì lợi ích chiến lược.

Cuộc tập trận thường xuyên cùng với việc các máy bay Singapore sử dụng căn cứ không quân Kalaikunda và các thiết bị quốc phòng ở Deolali và Babina được coi là sự củng cố cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn giữa hai nước.

Với Thái Lan và Indonesia, Ấn Độ thường xuyên có các cuộc tuần tra phối hợp dọc Biển Andaman và đây được coi là tín hiệu cho mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp. Với các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ thường xuyên có các hoạt động tương tác quốc phòng ở cấp cao nhất và đã có các chuyến cập cảng của tàu Ấn Độ tới các cảng khác nhau của Việt Nam.

Ấn Độ cũng đã cử nhân viên hải quân cấp cao tham gia chương trình Thỏa thuận hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào các tàu thuyền ở châu Á (RECAAP) tại Singapore, đồng thời đã lập Trung tâm Hợp nhất Thông tin Hải quân Ấn Độ cho Khu vực Ấn Độ Dương (IFC-IOR) tại Gurugram, nơi Singapore cũng đã có một sĩ quan liên lạc.

Tháng 1/2018, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tham gia đối thoại an ninh hàng hải với Ấn Độ đã đánh giá cao đề xuất của Ấn Độ về việc cùng hợp tác với các nước Đông Nam Á bảo vệ các tuyến đường biển, đảm bảo hàng hóa và thương mại trên biển không bị cản trở.

Thực tế phát triển hợp tác hàng hải giữa Ấn Độ và ASEAN ảnh 2Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vấn đề Biển Đông đã được chú ý trong thời gian gần đây và Ấn Độ luôn nhấn mạnh rằng nước này có những quan ngại mới liên quan đến an toàn và an ninh ở Biển Đông. Ấn Độ cũng đã hỗ trợ tự do thương mại hàng hải và nhắc lại rằng chỉ nên giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế đối thoại. Bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực nào cũng đều bị Ấn Độ và nhiều đối tác đối thoại khác chỉ trích mạnh mẽ.

Theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), các bên ký kết cũng phải loại bỏ mối đe dọa sử dụng vũ lực hay thậm chí là cả mối đe dọa bằng lời nói. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là các bên ký kết TAC nhưng đã có những căng thẳng lớn xảy ra trong quá khứ ở Biển Đông.

An ninh hàng hải là một vấn đề quan trọng đối với Ấn Độ và trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 8/2021, Ấn Độ đã tổ chức một phiên đối thoại đặc biệt liên quan đến an ninh hàng hải.

Trong cuộc họp này, Thủ tướng Modi nêu rõ thực tế rằng các nước cần giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua trọng tài quốc tế hoặc các cơ chế trực tiếp.

Đại diện cho Đông Nam Á, Việt Nam đề nghị cần có sự quan tâm của quốc tế đến Biển Đông và các tổ chức quốc tế cũng nên tiến hành tham vấn với các nước trong khu vực để phát triển kiến trúc an ninh hàng hải khu vực. Việt Nam gợi ý rằng để giảm căng thẳng, cần có sự đồng thuận và đối thoại trong các thể chế đa phương.

Đối với Ấn Độ, an ninh hàng hải là một yếu tố then chốt xét từ khía cạnh các hoạt động thương mại và hàng hóa của nước này được vận chuyển qua Biển Đông để đến khu vực Đông Á. Và cũng vì các mục tiêu chiến lược, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tập trận với các nước như Nhật Bản, Singapore, Việt Nam và Philippines. Ấn Độ đang cố gắng thu hút dư luận quan tâm tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bản dự thảo COC được xem xét trong một thời gian khá dài và do đó cần có nỗ lực phối hợp để dự thảo trở thành văn kiện được chấp nhận giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận với các nước khác trong Nhóm Bộ tứ gần Biển Tây Philippines (tên Manila gọi Biển Đông) và vùng biển của Nhật Bản.

Các nỗ lực chống cướp biển cũng như hỗ trợ nhân đạo và phối hợp cứu trợ thảm họa giữa các quốc gia ven biển là rất quan trọng ở những vùng biển này. Biển Đông cũng là một trong những khu vực phát triển mạnh nhất về ngư nghiệp và là ngư trường lớn thứ ba thế giới. Biển Đông cũng đóng vai trò rất quan trọng giúp duy trì cuộc sống cho các cộng đồng ven biển và do đó một quy trình vận hành tiêu chuẩn và quản lý tranh chấp tốt hơn sẽ rất quan trọng đối với các nước Đông Nam Á.

Tác giả bài viết cho rằng việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện thông qua 3 cách chính. Thứ nhất, Biển Đông có thể được tuyên bố là tài sản chung toàn cầu và tiền thu được từ thăm dò dầu khí có thể được chia sẻ giữa các quốc gia tranh chấp. Thứ hai, một thị trường thống nhất cho ngành ngư nghiệp có thể giúp ích cho các cộng đồng ven biển. Cuối cùng, tất cả các quốc gia nên chấp nhận thực tế rằng bất kỳ hoạt động xây dựng kết cấu bê tông nào trên các đảo tranh chấp đều phải được dừng lại ngay lập tức và giữ nguyên trạng.

Người ta thấy rằng các đối tác đối thoại có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng trong bối cảnh hiện nay. Cách tiếp cận phải là hình thành một đề xuất cụ thể và thành lập một cơ quan giám sát quốc tế để xem xét các khía cạnh này, bởi thương mại quốc tế đang bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, dự thảo COC - đáp ứng các yêu cầu của tất cả các bên liên quan và ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không - cần được thông qua trong thời gian sớm nhất và các đánh giá xem xét thêm có thể được tiến hành sau đó. Hợp tác hàng hải Ấn Độ-ASEAN sẽ là công cụ xây dựng các cấu trúc cần thiết và giúp các nước ASEAN phát triển các năng lực và khả năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục