Thực phẩm thừa dịp lễ Ramadan được xử lý thành phân bón hữu cơ tại Malaysia

Thực phẩm thừa sẽ được máy trộn lẫn với vỏ trấu và mùn cưa trong 48 giờ, sản phẩm cuối cùng sẽ có màu nâu và được đóng gói chuyển đến người nông dân sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Bà Zulyna Nordin đang chăm sóc cây trồng tại khu vườn ở Kuantan, bang Pahang của Malaysia. (Nguồn: AFP)
Bà Zulyna Nordin đang chăm sóc cây trồng tại khu vườn ở Kuantan, bang Pahang của Malaysia. (Nguồn: AFP)

Thức ăn thừa của bữa tối hằng ngày sau khi mặt trời lặn trong tháng lễ Ramadan sẽ được thu gom và chuyển đổi thành phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Đây là một sáng kiến của chính quyền bang Pahang ở Malaysia nhằm giảm thiểu rác thải thực phẩm, nhất là trong thời gian diễn ra tháng lễ quan trọng này của người Hồi giáo.

Bên ngoài một Thánh đường Hồi giáo ở Malaysia, sau bữa ăn kết thúc một ngày nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan, người dân bỏ thức ăn thừa vào một chiếc máy có chức năng chuyển đổi rác thực phẩm thành phân bón hữu cơ.

Tại công viên ở trung tâm Kuantan, thủ phủ bang Pahang, chính quyền địa phương cũng đã đặt một chiếc máy như vậy để xử lý rác thải thực phẩm sau khi nhiều gia đình tập trung quây quần mỗi tối trong công viên để thưởng thức bữa ăn sau một ngày chay tịnh trong tháng Ramadan.

Thực phẩm thừa sẽ được máy trộn lẫn với vỏ trấu và mùn cưa trong 48 giờ. Sản phẩm cuối cùng sẽ có màu nâu và được đóng gói chuyển đến người nông dân sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Là một trong những nông dân canh tác ở ngoại ô thành phố Kuantan, bà Zulyna Mohamed Nordin (53 tuổi) đã sử dụng phân bón hữu cơ được chế tạo theo cách trên từ hồi tháng 6/2023.

Bà cho biết đã ngừng sử dụng phân bón hóa học và phân bón hữu cơ loại này giúp cây trồng tăng năng suất.

Công ty quản lý chất thải rắn và vệ sinh công cộng ở Malaysia đã khởi động dự án thí điểm nói trên vào năm 2023.

Sharudin Hamid, Giám đốc công ty phụ trách chi nhánh tại bang Pahang, cho biết một chiếc máy như thế có thể xử lý 25kg thực phẩm thừa mỗi ngày.

Con số này chỉ chiếm một phần nhỏ bé trong tổng số hơn 13.000 tấn thực phẩm bị bỏ đi tại các bãi rác ở Malaysia mỗi ngày, thậm chí có thể hơn thế, trong tháng lễ Ramadan.

Tuy nhiên, theo giám đốc Sharudin Hamid, việc triển khai dự án thí điểm nói trên sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc tái chế rác thải thực phẩm thành những sản phẩm hữu ích đồng thời giúp bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục