Thực phẩm chay: Thị trường còn nhiều "đất" với doanh nghiệp Việt

Mặc dù chưa tạo dấu ấn về doanh thu cũng như lợi nhuận, nhưng những năm gần đây phân khúc thực phẩm chay đang được nhiều doanh nghiệp chú ý khai thác và từng bước đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: sunnygandara.com)

Mặc dù chưa thực sự tạo dấu ấn về doanh thu cũng như lợi nhuận, nhưng những năm gần đây phân khúc thực phẩm chay đã và đang được nhiều doanh nghiệp chú ý khai thác và từng bước đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo thống kê tại thị trường nội địa, thực phẩm chay của doanh nghiệp Việt đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ phân bố không chỉ ở các thành phố lớn mà ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mở rộng thị trường

Tính riêng hai năm gần đây, phân khúc sản phẩm thực phẩm chay đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trên thị trường thực phẩm Việt Nam; trong đó thực phẩm chay nội địa có giá khá cạnh tranh so với hàng hóa ngoại nhập. Hầu hết các sản phẩm xuất hiện trên các quầy kệ của kênh phân phối hiện đại và truyền thống là điểm cộng cho sản phẩm thực phẩm chay trong nước.

Theo tiểu thương chợ Bình Tây, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đối với ngành thực phẩm chay thì sản phẩm sản xuất kinh doanh nội địa đã từng bước chiếm ưu thế hơn các hàng hóa ngoại nhập. Cụ thể, ở lĩnh vực sản phẩm công nghệ đóng gói, đóng hộp có thể kể đến các thương hiệu như Vissan, Cầu Tre, Ngọc Liên, Song Hương, Âu Lạc...

Còn ở lĩnh vực hàng sơ chế hoặc đồ khô thì các cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng đã tích cực cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ tại các địa bàn đông dân cư.

Riêng mùa lễ Vu Lan năm nay, các sản phẩm chay sản xuất trong nước rất đa dạng về chủng loại và phong phú mẫu mã nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài đưa hàng hóa vào các kênh bán lẻ, mạng lưới phân phối hiện đại và truyền thống, các doanh nghiệp còn tích cực mở chuỗi cửa hàng để từng bước xây dựng thương hiệu cũng như bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Song song đó, số lượng người tiêu dùng Việt ưa chuộng và chuyển sang mua sắm, tiêu dùng thực phẩm chay ngày càng tăng đã góp phần tạo động lực cho các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tiện lợi và thực phẩm xanh, các doanh nghiệp trong nước không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm; trong đó, dòng sản phẩm ăn liền không chỉ dừng lại ở các mặt hàng mì gói, miến ăn liền mà hiện nay trên thị trường còn xuất hiện bún riêu cua, bánh đa, bánh canh bột, bún gạo lứt...

Để phục vụ nhu cầu nấu ăn và tự chế biến thực phẩm của người dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng giới thiệu ra thị trường hàng loạt sản phẩm gia vị chay như: rong biển, nước mắm ngũ vị, hạt nêm chay làm từ nấm các loại...

Bà Nguyễn Thị Ái Trinh, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh thực phẩm chay Âu Lạc, cho hay nếu trước đây nói đến thực phẩm chay thì mọi người hay nghĩ đến góc nhìn tôn giáo nên thị trường thực phẩm chay bị hạn hẹp, nhưng những năm gần đây thị trường thực phẩm chay được mở rộng và phát triển rất mạnh mẽ.

Riêng Âu Lạc đã phát triển 80 cửa hàng trên toàn quốc, 11 nhà hàng thực phẩm chay… để đáp ứng nhu cầu thuần chay của người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: YouTube)

Thúc đẩy văn hóa ẩm thực chay

Ghi nhận tại các đơn vị kinh doanh ẩm thực trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 7 Âm lịch đến nay luôn tấp nập thực khách đến thưởng thức các thực đơn chay cũng như mua sắm nhiều sản phẩm thực phẩm chay chế biến sẵn.

Đại diện cửa hàng chay trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cho biết, trong những ngày gần đây, lượng khách hàng tăng gấp hai và ba lần so với ngày thường. Vào các thời điểm phục vụ điểm tâm sáng, cơm trưa hay bữa tối thì cửa hàng lúc nào cũng đông khách và cần tăng cường thêm nhân viên phục vụ, giữ xe.

Tương tự, Nhà hàng Hoan Hỷ chay trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, vào thời điểm này cũng luôn đón nhận lượng khách đông đúc vào các giờ cao điểm trong ngày. Tại đây, thực khách được phục vụ thực đơn thực phẩm chay với các món ăn truyền thống như mì quảng, hủ tiếu, cơm Hoan Hỷ, bì cuốn, gỏi cuốn... được chế biến từ nguồn nguyên vật liệu rau củ, quả nội địa.

Đặc biệt, trong dịp Lễ Vu Lan có hơn 80 đơn vị, gồm: nhà hàng, khách sạn, quán ăn chay; các nhà chùa, gian hàng văn hóa phẩm Phật giáo; hệ thống siêu thị, nhãn hàng thực phẩm... tham gia Tuần lễ Văn hóa ẩm thực chay tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11. Theo đó, từ nay đến hết ngày 26/8, người dân tham dự sự kiện sẽ được thưởng thức những thực đơn chay hoặc buffet chay với hơn 300 món ăn và 50 loại thức uống có nguồn gốc từ nguyên vật liệu thực vật.

Chị Thanh Nhân, cư ngụ tại huyện Bình Chánh cho biết, ngày thường cũng hay cùng bạn bè và đồng nghiệp tìm đến các hàng quán chuyên phục vụ món chay để thưởng thức ẩm thực chay Việt. Tuy nhiên, trong dịp lễ, Tết, các đơn vị kinh doanh thường giới thiệu những sản phẩm mới, thực đơn độc đáo hơn nên tạo điều kiện cho người dân có cơ hội thưởng thức và tìm hiểu về ẩm thực chay Việt.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh dự báo thị trường thực phẩm chay sẽ sôi động hơn từ nay cho đến hết tháng 7 Âm lịch. Bên cạnh đó, dịp lễ Vu Lan 2018 rơi vào những ngày cuối tuần nên người dân có nhu cầu gặp gỡ, thưởng thức thực phẩm chay cùng với gia đình, bạn bè. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã chủ động tăng nguồn cung hàng hóa, nguồn nhân lực... để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh đều cam kết không tăng giá sản phẩm thực phẩm chay cũng như giữ nguyên giá thực đơn ẩm thực chay, không có phụ thu thêm phí nhằm góp phần khuyến khích người dân hướng đến lối sống xanh và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực chay Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục