Theo Sputnik/Trang mạng wsj.com, tờ Wall Street Journal (WSJ), nhiều binh sỹ và nhân viên tình báo Afghanistan do Mỹ đào tạo đã gia nhập hàng ngũ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngay sau đó, người đứng đầu cơ quan mật vụ tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan, thông báo rằng có thêm 34 chiến binh IS đã gia nhập Taliban.
Đây là nhóm chiến binh IS thứ ba gia nhập Taliban trong vòng một tuần. Trước đó, hai nhóm, gồm 50 và 60 chiến binh IS, đã gia nhập hàng ngũ Taliban. Đồng thời, Taliban phủ nhận thông tin cho rằng các cựu binh sỹ Afghanistan đang gia nhập hàng ngũ IS.
Người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid gọi thông tin này là “tin đồn lan truyền trên Facebook.”
Ít khả năng lính Afghanistan gia nhập IS
Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, ông Giorgi Machitidze - chuyên gia của Nhóm hỗ trợ phân tích và giám sát các biện pháp trừng phạt theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt đối với IS, Al-Qaeda và Taliban (2014-2019), đồng thời là chuyên gia Nga về khủng bố quốc tế và Afghanistan - lưu ý rằng các cựu binh Afghanistan khó có thể đứng về phía IS.
Ông nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, trong thời gian làm việc với các quân nhân Afghanistan, có thể nói rằng những người này không thể chuyển sang phe IS. Họ là những người có trình độ học vấn và quan điểm khác nhau. Hơn nữa, một số người trong đó đã rời khỏi Afghanistan. Những người khác được Taliban gọi lên để phục vụ. Rõ ràng, đây là những người mà Taliban tin tưởng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do hiện nay Afghanistan phải thành lập các cơ quan đặc nhiệm để lập lại trật tự trong nước. Các binh sỹ không muốn chiến đấu, họ muốn có cuộc sống yên bình.”
IS - mối đe dọa đối với Taliban
Chuyên gia Machitidze cho biết hiện nay các cuộc giao tranh giữa Taliban và IS đã bắt đầu xuất hiện. Ông giải thích: “Thật kỳ lạ, mối nguy hiểm lớn nhất mà Taliban phải đối mặt ngày nay lại là IS. Taliban đã lên nắm quyền cai trị đất nước và IS không cho phép họ thiết lập trật tự, khi thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Đây là điều đáng lo ngại.”
[Taliban: Mối đe dọa IS tại Afghanistan gần như được kiểm soát]
Bình luận về vụ nổ nhắm vào một bệnh viện quân y ở Kabul, chuyên gia này lưu ý: “Tất nhiên, điều đó không có gì tốt đẹp. Không thể nói rằng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự trong nước đang được thực hiện đầy đủ, trong khi Taliban chưa thể phát động cuộc đấu tranh nghiêm túc chống khủng bố.”
Ông Machitidze lưu ý Taliban đang thực hiện lời hứa với cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ ngăn chặn nguy cơ chủ nghĩa khủng bố từ Afghanistan lan sang các nước láng giềng.
Theo chuyên gia này, chỉ có những chiến binh của các nhóm khủng bố khác có thể gia nhập IS. Ông nói: “Ví dụ, vụ nổ xảy ra ở nhà thờ Hồi giáo tại tỉnh Kunduz hôm 8/10 do một người Duy Ngô Nhĩ thực hiện. Điều này nghĩa là một số người Duy Ngô Nhĩ đã gia nhập IS, qua đó giúp xác thực thông tin mà chúng tôi đã nhận được sau khi bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban: khi ấy người Duy Ngô Nhĩ đã cân nhắc họ sẽ làm gì nếu hòa giải dân tộc diễn ra. Họ hiểu rằng ở Afghanistan sẽ không còn ai ủng hộ họ. Sau vụ nổ ở nhà thờ Hồi giáo tại tỉnh Kunduz, Taliban đã buộc họ phải rời khỏi Badakhshan đến Nangarhar và các tỉnh khác để kiểm soát họ chặt chẽ hơn.”
Theo chuyên gia Machitidze, chỉ có những chiến binh không tiếp thu một cách mù quáng hệ tư tưởng của IS đang đến với Taliban. Chuyên gia giải thích: “Ngoài ra, nhiều người không muốn chết. Họ hiểu rằng Taliban sẽ tiêu diệt họ nếu họ tiếp tục các hoạt động khủng bố.”
WSJ có động cơ chính trị?
Chuyên gia Machitidze cho rằng Mỹ đang triển khai một chương trình để làm rõ lý do thất bại ở Afghanistan. Nhiều khả năng là WSJ không có dữ liệu chính xác về số quân nhân Afghanistan gia nhập IS. Xét theo mọi việc, bài báo của WSJ có động cơ chính trị.
Ông Machitidze nói: “Ai phải chịu trách nhiệm cho thất bại này? Lãnh đạo quân sự hay chính trị? Trong bối cảnh này, họ muốn chuyển hướng sự chú ý: Taliban lên nắm quyền, và IS đang hoạt động tích cực hơn, mặc dù không có chiến tranh.”
Chuyên gia này cho rằng chính sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan đã tạo ra nhiều cơ hội để tiêu diệt IS: “Mỹ cùng với quân đội Afghanistan đã có rất nhiều cơ hội để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này vẫn sống sót một cách kỳ lạ. Hiện vẫn chưa rõ hoàn cảnh chuyển giao những kẻ ủng hộ IS cùng gia đình từ phía Đông đến phía Bắc Afghanistan. Điều đó đã được các đại diện của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) xác nhận, những người làm việc ở các khu vực phía Bắc nước này, còn các thống đốc của Samangan và Jowzjan cũng đã nói về điều này.”
Theo ông, hiện nay không có yếu tố bên ngoài nào có thể ngăn cản Taliban đấu tranh chống IS: “Mỹ thậm chí còn đề nghị giúp đỡ, nhưng Taliban đã từ chối. Họ không tin tưởng Mỹ.”
Gián điệp của IS ở Afghanistan
Theo WSJ, Taliban từ lâu đã cho rằng Nhóm IS tỉnh Khorasan - một nhóm gián điệp của IS trong khu vực - là do cơ quan tình báo của Afghanistan và Mỹ tạo ra nhằm gây chia rẽ nội bộ của IS, song Washington và chính quyền cũ tại Kabul đã bác bỏ điều này.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các lãnh đạo IS đầu tiên ở Syria và Iraq, nhưng Nhóm IS tỉnh Khorasan do các tay súng người Afghanistan và Pakistan của Taliban thành lập vào năm 2014. Những người này cảm thấy sự lãnh đạo của Taliban, khi đó đang tìm cách đàm phán hòa bình với Mỹ, là không đủ triệt để. Nhóm này đã kiểm soát một số quận ở miền Đông Afghanistan, trước khi suy yếu đáng kể do bị Taliban tấn công vào năm 2015.
Tuy nhiên, lợi dụng sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và đợt rút quân chống khủng bố của Mỹ, Nhóm IS tỉnh Khorasan đã hồi sinh trong năm 2021. Nhóm này đã sát hại 200 người Afghanistan và 13 thành viên của lực lượng vũ trang Mỹ tại sân bay Kabul hồi tháng 8/2021.
Kể từ đó, nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào Taliban, chủ yếu ở tỉnh Nangarhar, nhưng giờ đây ngày càng hoạt động thường xuyên ở Kabul. Nhóm này cũng nhận trách nhiệm cho các vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo dòng Shi'ite ở các thành phố Kunduz và Kandahar hồi tháng 10 vừa qua, khiến hơn 100 người thiệt mạng./.