Thực hư thông tin TKV lỗ hơn 3.000 tỷ đồng với hai dự án bauxite

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lên tiếng về thông tin Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong 3 năm qua với hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.
Thực hư thông tin TKV lỗ hơn 3.000 tỷ đồng với hai dự án bauxite ảnh 1Sản phẩm tinh quặng alumin được sản xuất và đóng bao theo một quy trình hiện đại và nghiêm ngặt tại nhà máy bauxite-nhôm Lâm Đồng. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Sáng 19/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Thủ tướng chỉ đạo TKV lưu ý 5 vấn đề

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng lưu ý TKV 5 nội dung cần quan tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, TKV nói riêng. Thủ tướng đề nghị TKV có giải pháp xử lý 9,3 triệu tấn than sạch tồn kho, các cơ quan phải nghiên cứu báo cáo thêm với Thủ tướng về chính sách thuế, các cơ chế tháo gỡ.

Nêu rõ TKV đầu tư rất nhiều dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng chỉ đạo TKV gấp rút rà soát lại toàn bộ, có phương án xử lý với các dự án phải dừng hoạt động để không thất thoát nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Dự án nào chưa hoàn thành, quan điểm của Thủ tướng là yêu cầu TKV đốc thúc tiến độ đầu tư, nếu kéo dài không đầu tư được sẽ kém hiệu quả; cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt là giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành - sức ép rất lớn đối với TKV. Là tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, giữ vai trò chủ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, TKV đảm bảo sản xuất tốt hơn cho các ngành kinh tế khác.

Tăng trưởng của các ngành khác phụ thuộc vào TKV rất lớn. Có ngành tăng trưởng phụ thuộc vào TKV đến trên 70%. Nếu giá thành sản phẩm của TKV cao so với than nhập khẩu thì phải xem xét, nghiên cứu, có cơ chế phù hợp, có giải pháp căn cơ, tạo điều kiện cho TKV cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Kinh tế thị trường nhưng phải đảm bảo ổn định cho sản xuất trong nước, Bộ trưởng nêu rõ quan điểm, đồng thời đề nghị TKV đưa công nghệ tiên tiến vào để tăng năng suất lao động, hạ giá thành, đổi mới công tác quản trị, phân cấp.

"Nếu Tập đoàn giao chỉ tiêu bằng những biện pháp như bao cấp ngày xưa, đề nghị Tập đoàn xem xét lại cơ chế quản lý và phân cấp, phân quyền," Bộ trưởng nói. Lãnh đạo Tập đoàn cần sớm nghiên cứu về vấn đề quản trị, phân cấp điều hành, tạo quyền năng, tính chủ động, độc lập của lãnh đạo các thành viên, bởi đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo phát triển lâu dài, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ tổn thất than khoáng sản bằng phương pháp hầm lò xuống dưới 20%, tổn thất than bằng khai thác lộ thiên xuống dưới 5%.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý TKV phối hợp với các địa phương xử lý các tình trạng đào bới, khai thác, vận chuyển kinh doanh than trái phép, quản lý mang tính tập trung, quản lý giá tập trung, khắc phục tình trạng than lậu giá rẻ. TKV thực hiện nghiêm vấn đề tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, chú trọng đến quy hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, thể hiện quản lý độc lập của các công ty con. Bộ trưởng khẳng định quan điểm của Thủ tướng là không lấy chỉ số tăng trưởng thông qua khai thác, sản lượng tăng mà không hiệu quả thì nguồn lực của nhà nước không tốt.

Xử lý tồn đọng trên 9 triệu tấn than sạch

Giải trình các vấn đề trên, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết giá thành sản xuất than những năm qua vẫn tăng là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển, tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng, trong khi áp lực mỏ ngày một lớn. Cùng với đó là suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành than của ngành... TKV đã cổ phần hóa 61 doanh nghiệp, chỉ còn 49 công ty con; hoàn thành thoái vốn ngoài ngành, thu về hơn 2.000 tỷ đồng, thặng dư 389 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu từ năm 2012 đến nay, lực lượng lao động của TKV giảm 15.000 người.

[Bộ Công Thương lên tiếng trước thông tin trái chiều về dự án bauxite]

Nói về lượng than tồn kho, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Lê Minh Chuẩn cho hay đây là tồn kho chiến lược cho nền kinh tế, ngành than tự bỏ tiền ra để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, là nhiệm vụ chính trị. Việc tồn kho 9 triệu tấn là đã vượt qua định mức 1,5-2 triệu tấn, nếu tăng tồn kho lên nữa, tài chính ngành than rất khó khăn. Năm 2017, ngành đã cân đối theo kế hoạch chỉ đạo của Nhà nước, của Bộ giao cho là 19,42 triệu tấn than nội địa. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP.

Tuy nhiên, ông Chuẩn cho rằng đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13-14 tiệu tấn, 4.000 công nhân có nguy cơ mất việc. Ông Chuẩn đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu EVN không được giảm 2 triệu tấn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện; đến năm 2018 và những năm sau cân đối lại thì sẽ điều hành để sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, than khai thác ra không phải bán ngay mà còn phải qua nhiều công đoạn mới bán được, ít nhất phải lưu giữ 5 triệu tấn trong quá trình đưa đi tiêu thụ, vì vậy cần đánh giá chính xác về con số tồn kho.

Nhấn mạnh TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng không chỉ là vấn đề về giá, cạnh tranh theo hướng thị trường, mà TKV hiện có khoảng 113.000 lao động cùng gia đình, vấn đề lao động, công ăn việc làm, ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội cũng hết sức quan trọng, "chúng ta không thể chạy theo kinh tế mà bỏ qua các vấn đề ổn định chính trị xã hội."

Thông tin rất nhiều khoáng sản nếu chế biến sâu sẽ lỗ, thay vào đó, xuất khẩu ngay từ công đoạn nào chi phí thấp nhất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thông tin TKV lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong 3 năm qua với hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là không chính xác. Đây là lỗ theo kế hoạch, đáng lẽ 5 năm được lỗ thì lỗ 3 năm với hơn 3.000 tỷ đồng. Năm nay (năm thứ tư), dự án Tân Rai theo kế hoạch là cắt lỗ. Nếu trung bình 1 năm lỗ 1.000 tỷ đồng, nếu năm nay cắt lỗ 1.000 tỷ đồng, cùng với lãi 1.000 tỷ đồng nữa là năm nay TKV lãi 2.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhìn nhận còn nhiều dự án của TKV chưa hiệu quả.

"Đến thời điểm này, quan điểm của tôi không làm dự án mới, tập trung làm dứt điểm các dự án hiện có," Thứ trưởng khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục