Thời tiết đang trong mùa nắng nóng cao điểm cộng thêm giá điện tăng đã trở thành nỗi lo lạm chi kinh tế của nhiều gia đình. Đây cũng là lý do mà nhiều người đang đổ xô đi tìm mua các loại thiết bị tiết kiệm điện.
Anh Hoàng Sang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết số điện của gia đình anh trong 2 tháng qua tăng vọt vì sử dụng điều hòa liên tục, hai vợ chồng sốt ruột nên muốn tìm phương án làm tiết kiệm.
“Tôi tìm kiếm trên mạng thì thấy bài quảng cáo về một chiếc máy có công năng tiết kiệm điện 40% với giá hơn 300.000 đồng nên mua về dùng thử. Kết quả khó kiểm chứng vì trong nhà không có gì đo đạc chứng minh và số công tơ điện tháng này chưa có dấu hiệu giảm,” anh Sang cho hay.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, trên nhiều kênh mua bán online như Facebook, Shopee, Lazada… tràn ngập các sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện năng được bày bán tràn lan với lời quảng cáo có cánh như “tiết kiệm tới 50%,” “hoàn toàn tối ưu hóa công suất,” “tuổi thọ 10 năm”…
[Chín thiết bị âm thầm 'ngốn điện' trong gia đình]
Theo hình ảnh quảng cáo, các thiết bị trên đều có dạng khối hộp, kích thước tương đương chuột máy tính, có một hoặc hai đèn báo. Bên ngoài vỏ hộp ghi nội dung khá đơn giản: “Electric saving box,” “Smart Energy Saver”... Người bán cho biết chỉ cần cắm vào nguồn điện trong gia đình là đã có thể sử dụng thiết bị.
Mức giá bán đối với của các thiết bị tiết kiệm điện dao động từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng. Tất cả các thiết bị đều được giới thiệu có công dụng giúp kéo giảm từ 30-50% chỉ số điện tiêu thụ hàng tháng, nguồn gốc hoặc sản xuất theo công nghệ Mỹ, Đức, Trung Quốc...
Tham khảo một sản phẩm thiết bị có tên “thiết bị tiết kiệm và cân bằng nguồn điện” có giá 250.000 đồng tại một shop trên sàn Shopee, chủ cửa hàng “tung hô” công năng sản phẩm có tỷ lệ tiết kiệm điện từ 15-40% tùy thời điểm… Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, người bán này cho sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài và đã được một số cơ quan trong ngành giám định chất lượng.
Về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Khánh Quang - Trưởng bộ môn Điện thuộc Khoa Điện - Điện tử, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho rằng không thể có một thiết bị tiết kiệm được 40-50% điện năng. Các sản phẩm tiết kiệm điện, nếu có, chỉ giúp giảm khoảng 1-2% điện năng tiêu thụ.
Theo tiến sỹ Quang, những sản phẩm giá rẻ chỉ có bảng mạch cơ bản, khả năng tiết kiệm điện là không thể, thậm chí còn tiêu thụ thêm điện năng để thắp sáng cho bóng đèn LED. Ngoài ra, với giá rẻ các sản phẩm này có thể sử dụng nguyên vật liệu chất lượng kém, tiềm ẩn nguy cơ độc hại khi tiếp xúc, thậm chí có thể cháy nổ.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã đưa ra cảnh báo về việc quảng cáo sai sự thật của những thiết bị tiết kiệm điện. Các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Vì vậy, người dùng cần phải cẩn trọng trước những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng và chưa được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn. Việc tiết kiệm điện chỉ có thể đến từ việc quản lý thói quen sử dụng một cách hợp lý các thiết bị điện trong gia đình./.