"Nguyên tắc thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế" là chủ đề cuộc Tọa đàm do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam tổ chức tối 23/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu rõ, thượng tôn pháp luật là thượng tôn lẽ phải, lẽ công bằng và công lý, không có ai đứng bên trên pháp luật; cũng không có ai không được pháp luật bảo vệ.
Sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật chính là động lực phát triển của một đất nước, là bản chất của một nền dân chủ. Đất nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, pháp luật ngày càng đóng vai trò quan trọng, là cơ sở xác lập quyền, nghĩa vụ công dân, công cụ quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Việt Nam đã chủ động tham gia Cộng đồng ASEAN, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn, các khối kinh tế toàn cầu, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao, với một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển bền vững và ngược lại. Điều này đòi hỏi phải tích cực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải cách lập pháp, tư pháp, hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hành Hiến pháp, đảm bảo dân chủ, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
"Thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật là con đường để Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, thịnh vượng, trong đó luật sư sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy sự phát triển sự phát triển kinh tế-xã hội" - Luật sư Thịnh nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, ông Michael Moore, Thẩm phán Tòa án Hành chính Tổ chức Lao động Quốc tế, Thẩm phán Tòa phúc thẩm Vương quốc Tonga chia sẻ khái niệm nguyên tắc thượng tôn pháp luật; các quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa nguyên tắc thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế.
Theo ông Michael Moore, một người đang tìm kiếm mối quan hệ giữa sự tồn tại của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tăng trưởng kinh tế cần phải xác định trong phạm vi nào nguyên tắc thượng tôn pháp luật chiếm ưu thế. Sau đó, cân nhắc về sự tồn tại của nguyên tắc thượng tôn pháp luật có mối quan hệ nhân quả với sự phát triển kinh tế trong quá khứ và tương lai không.
Ông Michael Moore đã dẫn chứng về việc có các nghiên cứu về nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững. Qua đó, cho thấy đã có cam kết quốc tế về việc phát triển nguyên tắc thượng tôn pháp luật như một nền tảng cho sự phát triển.
Việc công nhận nguyên tắc này là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế toàn bộ và liên tục, cho phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và nhận thức đầy đủ về nhân quyền, các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền phát triển. Tất cả những điều này đều củng cố nguyên tắc thượng tôn pháp luật./.