Các bác sỹ Nam Phi vừa thực hiện thành công ca mổ thay hệ thống xương tai giữa trên người đầu tiên trong lịch sử y khoa toàn cầu, qua đó mở ra hy vọng chữa lành chứng mất thính giác cho hàng triệu người trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, phương pháp áp dụng công nghệ 3D trong việc chế tạo xương búa, xương đe và xương bàn đạp - ba xương kích thước nhỏ cấu thành hệ thống xương tai giữa của người và có vai trò dẫn truyền âm thanh từ tai ngoài vào tai trong.
Hệ thống xương nhân tạo này được các bác sỹ bệnh viện Steve Biko Academic Hospital tại Pretoria sử dụng để thay thế xương tai giữa đã hỏng của một bệnh nhân nam 35 tuổi, giúp người này lấy lại được thính lực hoàn toàn sau nhiều năm bị điếc do tai nạn giao thông.
Được làm từ vật liệu titanium siêu bền cùng trọng lượng nhẹ, hệ thống xương tai giữa do các nhà y khoa tại Đại học Pretoria chế tạo đảm bảo nhiều đặc tính tự nhiên gần nhất với xương thật, do đó không gây ra phản ứng đào thải như những trường hợp cấy ghép hoặc thay thế thông thường khác
Theo giáo sư đại học Pretoria Mashudu Tshifularo đồng thời là trưởng kíp mổ, các nhà khoa học Nam Phi đã dành hơn 10 năm để tìm ra loại vật liệu thay thế tốt nhất cho hệ thống tai giữa cũng như phương pháp sản xuất phù hợp nhất.
Giáo sư Tshifularo nhấn mạnh phương pháp sản xuất xương tai giữa sử dụng máy in 3D thông dụng cùng vật liệu titanium sẵn có trên thị trường sẽ giúp nhiều người trên thế giới lấy lại thính lực./.