Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Trọng dân, gần dân, lắng nghe dân

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua.
Hội nghị Đánh giá kết quả kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017 Cụm các tỉnh Tây Nam Bộ. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy. Không khí dân chủ trong xã hội, sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Gắn kết Đảng, Nhà nước, Mặt trận với nhân dân

Năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung đánh giá kết quả thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII), đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về "Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn" đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Những nội dung của Pháp lệnh số 34 được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phong trào thi đua "Dân vận khéo," phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh," chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhận định năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp triển khai hiệu quả việc lấy ý kiến hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, an sinh xã hội của nhân dân tại địa bàn. Việc thực hiện hương ước, quy ước, hòa giải, phát huy dân chủ ở cơ sở góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm được thực hiện khá tốt. Hơn 100.000 khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết với sự tham dự đầy đủ của tất cả người dân, điều này thể hiện vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc huy động sự vào cuộc của nhân dân trên địa bàn.

Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng nét khởi sắc trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chính là thay đổi về nhận thức. Công tác tuyên truyền của các ngành, các cấp có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, việc thành lập các đoàn kiểm tra tại mỗi địa phương đã phát huy được sức mạnh tại các địa bàn, theo phương châm tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, từ đó chỉ ra được điểm yếu và điểm cần phát huy.

Thực hiện dân chủ, các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục triển khai việc thực hiện Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về "Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập", Thông tư số 01/2016/TT-BNV gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sửa đổi các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 4.500 thủ tục hành chính; kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước; đã xử lý 850/1.100 kiến nghị của doanh nghiệp...

Việc triển khai thực hiện tốt Nghị định số 04/2015/NĐ-CP đã tạo ra nhiều mô hình, cách làm hay như: mô hình tiết kiệm (điện, nước, văn phòng phẩm...); mô hình văn hóa, ứng xử đối với đồng nghiệp, người bệnh; mô hình xanh-sạch-đẹp của Bộ Y tế; mô hình "Kỷ cương-Đồng bộ-Đổi mới-Hiệu quả" của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; mô hình "Thủ trưởng cơ quan đối thoại với cán bộ, công chức trẻ," "Hộp thư góp ý" của tỉnh Đồng Tháp...

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan, đơn vị duy trì, chỉ đạo giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định, đạt được một số kết quả.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, đặc biệt là đối thoại được tăng cường mạnh mẽ, thể hiện sự dân chủ.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đều thành lập tổ công tác của Bộ trưởng và Tổ công tác của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Các nội dung được Chính phủ, Trung ương giao đều được thực hiện tốt, tạo sự lan tỏa. Nhiều vấn đề đã được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đến tận nơi, lắng nghe, giải quyết vướng mắc. Kết quả, từ chỗ có 100 việc Thủ tướng Chính phủ giao, chỉ có 25 việc chậm hoàn thành và chỉ có 1-2 việc không hoàn thành. Đây là nét nổi bật trong việc đối thoại giữa các cơ quan chính quyền với nhau và chính quyền với người dân...

[Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở]

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ còn một số bất cập, hạn chế. Việc niêm yết, công khai các nội dung để dân biết theo quy định của Pháp lệnh 34 có lúc, có nơi còn hình thức; nhiều lĩnh vực niêm yết còn chung chung, nội dung công khai chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu cụ thể nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có nhiều chuyển biến. Công tác tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi còn chậm, phương thức tuyên truyền, vận động chưa có nhiều đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ rõ thông qua hoạt động kiểm tra ở địa phương,việc thực hiện quy chế dân chủ đã phát sinh nhiều bất cập. Hiện, có những văn bản bổ sung hoàn thiện quy chế được đề xuất nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến trong việc hoàn thiện những quy chế này.

Tạo sự lan tỏa trong đối thoại với nhân dân

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực nêu quan điểm việc đối thoại với nhân dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu cần được phát triển, tạo sự lan tỏa. Qua đối thoại có thể đánh giá được năng lực, khả năng của mỗi cán bộ. Đối thoại này cần được ban hành quy chế, quy trình thường xuyên. Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tích cực đẩy mạnh việc giám sát, phản biện xã hội đối với công tác này.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiến nghị tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để xem xét việc cải cách thủ tục hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó tham mưu cho Trung ương xem xét lại chất lượng đội ngũ cán bộ, ông Mai Trực khẳng định.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nếu địa bàn khu dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân được chung tay đóng góp, lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đội ngũ cán bộ các cấp phải đi xuống địa bàn, tìm hiểu những băn khoăn, lo lắng, trực tiếp đối thoại với nhân dân để từ đó giải quyết dứt điểm các khiếu kiện kéo dài, góp phần tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Từ đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác dân chủ ở cơ sở; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên; tạo sự công khai minh bạch "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra," thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra hiện tượng mất dân chủ, xem xét kỷ luật đối với cá nhân vi phạm.

Đồng thời, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần tiếp tục được xử lý nghiêm minh, xử lý công bằng, hợp tình, hợp lý, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân. Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội phải trọng dân, gần dân, lắng nghe dân, tăng cường đối thoại với nhân dân vì đây là việc làm thiết thực để giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh tại địa phương.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính, trung tâm dịch vụ công, sử dụng Chính phủ điện tử... là một trong những cách thức bắt buộc phải thực hiện để tạo thuận lợi cho người dân, như vậy mới thể hiện được bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tất cả các chính sách, quy định của Nhà nước đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng nếu người dân không thể tiếp cận được thì những vấn đề này chưa có tính hiệu ứng. Một trong những trọng tâm của Chính phủ hiện nay là giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong một số trường hợp, có thể giải quyết được theo căn cứ của pháp luật nhưng chưa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cần tìm giải pháp, chính sách hài hòa, hỗ trợ cho người dân trong những trường hợp này.

Liên quan đến việc đối thoại giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Ở nơi nào người đứng đầu trực tiếp đối thoại với người dân sẽ giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đối với việc bảo đảm cho người dân tham gia quyết định chính sách, có cơ chế dân chủ đại diện thông qua Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị-xã hội và cơ chế dân chủ trực tiếp. Mối quan hệ giữa Đảng, nhà nước (cơ quan dân cử, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp), Mặt trận Tổ quốc và các tổ chính trị-xã hội và người dân cần làm tốt hơn thông qua đối thoại, tiếp dân, giải quyết các vấn đề của dân một cách công khai, minh bạch.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thông tin hiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đang được giao xây dựng cơ chế giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên. Theo đó, người dân được quyền trực tiếp tham gia vào giám sát việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Việc này được vận hành tốt sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục