Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu về chống tham nhũng

Việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, giám sát còn yếu, chất lượng các cuộc kiểm tra chưa cao, kết luận kiểm tra chủ yếu quan tâm đến giảm trừ, thu hồi về kinh tế.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 16/11, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng với các cấp ủy Đảng Khối doanh nghiệp Trung ương năm 2018.

Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương và Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì hội nghị.

Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của các cấp ủy đảng Khối Doanh nghiệp Trung ương cho thấy trong năm, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã cắt giảm bớt các thủ tục hành chính trong giao dịch với người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tiêu cực tham nhũng; ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các lĩnh vực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; áp dụng Hệ thống văn bản điện tử thay thế cho Hệ thống quản lý công văn cũ; thực hiện thanh toán lương, thu nhập của cán bộ, nhân viên, người lao động qua tài khoản.

Trong năm 2018, cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 1.446 tổ chức đảng cấp dưới và 6.192 đảng viên, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 11 đảng viên.

Qua kiểm tra chuyên đề và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện 12 đảng viên có vi phạm phải xử lý kỷ luật, đã thi hành kỷ luật 11 đảng viên (trong đó có 7 cấp ủy viên các cấp); cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hai tổ chức đảng cấp dưới và 206 đảng viên.

Qua thảo luận, đại diện một số ngân hàng, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước cho rằng việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, giám sát còn yếu, chất lượng các cuộc kiểm tra chưa cao, kết luận kiểm tra chủ yếu quan tâm đến giảm trừ, thu hồi về kinh tế, chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng chưa được kịp thời.

[Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng]

Các ý kiến đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình kiểm tra, giám sát đã đề ra; nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh tập thể, cá nhân có sai phạm; chú trọng công tác cải cách hành chính để giảm bớt các thủ tục rườm rà gây lãng phí thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân.

Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao việc tự kiểm tra, phát hiện sai phạm trong nội bộ các tập đoàn, tổng công ty.

Thời gian tới, các cấp ủy đảng Khối Doanh nghiệp Trung ương tập trung chỉ đạo đưa nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng; đưa nội dung này thành tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ công tác hàng năm của cấp ủy, doanh nghiệp.

Khối Doanh nghiệp Trung ương triển khai thực hiện và hướng dẫn các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, tài sản công, đầu tư dự án, xây dựng cơ bản, đấu thầu, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các Nghị quyết của Trung ương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục