Điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt. Việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.
Về nguyên tắc, việc điều chỉnh giá điện phải dựa vào chính sách giá năng lượng; điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và khả năng chi trả của người dân; quan hệ cung cầu về điện năng; chi phí sản xuất kinh doanh và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực nhằm đảm bảo tài chính cho phát triển ngành điện.
Tại Hội nghị tổng kết 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực xung quanh câu chuyện giá điện.
- Giá điện là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất và có tác động lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy Bộ Công Thương đã phải tính toán thế nào mỗi khi ban hành quyết định tăng giá điện?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giá điện là một trong số những ngành hàng Nhà nước phải quản lý do nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.
Chính vì vậy, mỗi lần điều chỉnh giá điện Bộ Công Thương đều xem xét kỹ lưỡng để một mặt chúng ta phải tuân thủ theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước là giá điện phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nghĩa là giá điện được điều chỉnh theo các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu huy động thực tế các nguồn điện và giá điện trên thị trường điện, nhưng mặt khác cũng phải xem xét, đánh giá các tác động của việc tăng giá điện tới chi tiêu của các hộ sinh hoạt cho tiền điện, tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, tới tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số CPI…
Thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước thì theo quy định hiện hành các hộ nghèo, hộ chính sách đều được hỗ trợ trực tiếp hàng tháng tiền điện sử dụng 30 kWh theo mức giá sinh hoạt bậc 1 thông qua các cấp chính quyền địa phương, do vậy khi điều chỉnh tăng giá điện thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng phải tính toán về số tiền tăng thêm từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho các nghèo, hộ chính sách.
Gần đây nhất, Quyết định điều chỉnh giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3 của Bộ Công Thương thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và cụ thể ở đây là Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức bán lẻ điện bình quân.
Việc tính toán và kiểm tra tăng giá điện được Bộ Công Thương trước tiên được căn cứ vào báo cáo kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm chi phí trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ, phụ trợ và quản lý ngành đã được tổ công tác kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương làm tổ trưởng có sự tham gia của Bộ Tài Chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện các năm 2014 và 2015 của EVN.
Trong đó có cả chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy đã cổ phần hóa có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty Trách nhiệm hữu han một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện và chi phí sản xuất điện từ các nhà máy hạch toán phụ thuộc EVN được xác định căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận. Chúng tôi cũng kiểm tra chi phí trong các khâu truyền tải, phân phối bán lẻ, phụ trợ và quản lý ngành.
Liên Bộ cũng xem xét kế hoạch sản xuất, cung ứng điện trong năm và kiểm tra những yếu tố đầu vào liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện như chi phí nhiên liệu, chi phí giá dầu, giá khí, giá than, rồi cả vấn đề tỷ giá.
Trong lần điều chỉnh tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước trong Tổ Công tác điều hành kinh tế vĩ mô xem xét tổng thể ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sau đó chúng tôi cũng báo cáo lên Chính phủ, Thường trực Chính phủ để thống nhất xem xét và cho phép điều chỉnh giá điện.
- Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực tại hội nghị, giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua là 1.087,3 đ/kWh. Trong khi giá bán điện bình quân lần tăng giá điện gần đây nhất là ngày 16/3 lại ở mức 1.622,05 đ/kWh. Xin ông giải thích rõ hai con số này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Như trong báo cáo của Cục Điều tiết điện lực tại cuộc họp đã nhận xét chúng ta vận hành thị trường điện trong tình hình hệ thống điện còn nhiều bất cập, đặc biệt trong giai đoạn đầu vận hành.
Nhiều lúc, hệ thống điện còn chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu sử dụng điện trong các thời điểm.
Không những thế, hành lang pháp lý cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, cho nên trong 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đưa các nhà máy điện tham gia thị trường điện.
Mặc dù vậy, còn rất nhiều yếu tố ràng buộc cho nên chưa thể đưa toàn bộ các nhà máy vào thị trường trong thời gian vừa qua.
Đến thời điểm hiện tại mới có 59/109 nhà máy điện trực tiếp chào giá tham gia thị trường điện, chiếm 41,63% công suất của cả hệ thống điện.
Tôi cho rằng việc vận hành thị trường này đã tạo ra sự công khai, minh bạch trong vấn đề huy động các nguồn phát điện, huy động các nhà máy điện trong vận hành hệ thống điện. Các đơn vị phát điện đã chủ động hơn trong vấn đề chào giá.
Quy trình là nhà máy điện nào giá rẻ sẽ được huy động trước, sau đó mới tới các nhà máy có giá điện cao.
Vì vậy, con số 1.087,3 đ/kWh chỉ là giá mua điện bình quân từ 59 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua.
Chưa có giá mua điện bình quân của 50 nhà máy điện còn lại trong hệ thống điện bao gồm cả các nhà máy BOT, các nhà máy điện chạy dầu có giá thành sản xuất điện cao.
Trong 3 năm qua thì giá than và các giá nhiên liệu đầu vào cũng có nhiều biến động theo chiều hướng tăng. Con số trên cũng chưa bao gồm chi phí khác từ các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.
Do đó để so sánh hai con số bình quân giá mua 1.087,3 đ/kWh và giá bán 1.622,05 đ/kWh là chưa chính xác.
Để giải quyết được tồn tại này, trong thời gian tới chúng tôi đang xem xét các giải pháp nhằm tăng tối đa các nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh.
Cụ thể sẽ chỉ đạo, đôn đốc tất cả các đơn vị phát điện, trước tiên là các đơn vị phát điện của các Tập đoàn kinh tế lớn như EVN, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia thị trường điện.
Tỷ trọng nguồn theo chủ sở hữu (với các nhà máy do Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia điều khiển) hiện như sau: EVN 18,9%, Tổng công ty phát điện 1 là 16,7%, Tổng công ty phát điện 2 là 12,2%, Tổng công ty phát điện 3 là 17,7%, TKV là 4,3%, PVN là 12,1%, còn lại là các nhà máy tư nhân, cổ phần và BOT.
- Nếu vậy thì trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phải làm gì để tăng tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước tiên chúng tôi một mặt sẽ tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị phát điện phải đưa các nhà máy điện vào tham gia thị trường theo đúng quy định.
Mặt khác chúng tôi cũng xem xét những khó khăn, vướng mắc của những nhà máy điện khi tham gia thị trường, từ đó sẽ trình Bộ Công Thương ban hành thêm những quy định, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn các đơn vị trong quá trình chuẩn bị tham gia thị trường điện.
Giải pháp tiếp theo là chúng tôi sẽ phối hợp với EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện để tiếp tục có những buổi họp, trao đổi, thảo luận với các đơn vị phát điện để giúp họ chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật khi tham gia thị trường.
Chúng tôi cũng sẽ tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng… để các đơn vị phát điện có những chuẩn bị tốt hơn về nguồn nhân lực khi tham gia thị trường điện.
Với các giải pháp trên chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu là nâng cao tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Qua đó để giá điện trên thị trường điện phản ánh chính xác và toàn diện hơn.
- Xin ông cho biết lộ trình thực hiện thị trường điện ở Việt Nam sẽ được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay chúng tôi đang triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006.
Cụ thể, năm 2016 sẽ triển khai thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện, các đơn vị mua buôn mới tham gia sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục nhưng chưa thanh toán thực theo giá thị trường nhằm tạo điều kiện cho các Tổng công ty điện lực, các khách hàng lớn bước đầu làm quen với các cơ chế giao dịch mới trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Bước thí điểm thứ 2 sẽ thực hiện trong các năm 2017-2018, các Tổng công ty điện lực có thể mua từ 5-10% sản lượng điện của các nhà máy thông qua thị trường bán buôn, phần sản lượng điện còn lại các đơn vị vẫn mua điện từ EVN thông qua Hợp đồng mua bán điện ký với EVN.
Từ năm 2019, theo kế hoạch chúng ta sẽ chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Các các nhà máy điện, các Tổng công ty điện lực, các khách hàng lớn sẽ thực hiện giao dịch trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo quy định do Bộ Công Thương ban hành.
Chúng ta triển khai thị trường bán buôn cạnh tranh với các bước như trên bởi vì việc chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh là bước chuyển lớn, thay đổi cơ bản mô hình và phương thức sản xuất kinh doanh điện trong suốt thời gian vừa qua.
Những ảnh hưởng của thị trường bán buôn sẽ tác động lớn đến các mặt hoạt động chung của ngành điện nên Chính phủ chỉ đạo cần có những bước đi thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.
- Vậy việc triển khai thực hiện lộ trình thị trường điện có gắn với việc tái cấu trúc ngành điện hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Công Thương khẳng định tái cấu trúc ngành điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để chúng ta triển khai thị trường phát điện cạnh tranh cũng như bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian tới.
Trong tháng 12, Bộ Công Thương sẽ phải hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện mà một trong những trọng tâm là tiến hành cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện (Genco) thuộc EVN, PVN, TKV...
Các bước triển khai cổ phần hóa này sẽ thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cũng báo cáo Chính phủ xem xét lộ trình cổ phần hóa các Genco cho phù hợp với thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Về phía EVN phải hoàn thành Đề án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát thị trường bán buôn điện cạnh tranh trình Bộ Công Thương phê duyệt; đồng thời, xây dựng và ban hành Đề cương đào tạo nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia thị trường điện.
- Xin cảm ơn ông!