Thực hiện đồng bộ 'chặt trong-chặt ngoài' để chống dịch COVID-19

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre không chủ quan, tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc, quyết liệt trong bối cảnh số ca mắc tăng cao.
Thực hiện đồng bộ 'chặt trong-chặt ngoài' để chống dịch COVID-19 ảnh 1Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp. (Nguồn: Bộ Y tế)

Chiều 27/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre.

Đây là ngày thứ 9 các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Số ca mắc tăng nhanh

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh đều cho biết trong thời gian qua, số ca bệnh COVID-19 đều gia tăng nhanh và các chùm ca bệnh đa số có yếu tố dịch tễ liên quan đến người trở về từ Thành phố Hồ Hồ Chí Minh và lái xe đường dài, do đó các địa phương đều “chú trọng khoanh vùng, giám sát dịch tễ các trường hợp này."

Cụ thể, tại Sóc Trăng, từ ca nhiễm đầu tiên vào ngày 4/7, đến nay số trường hợp mắc COVID-19 đã tăng nhanh, lên 144 ca. Có 1.190 trường hợp là F1 đang cách ly tập trung.

Hiện tại, khu công nghiệp trên địa bàn có khoảng 20.000 công nhân, trong đó đặc biệt tại các nhà máy chế biến thuỷ sản có môi trường khép kín nên Sóc Trăng tổ chức mô hình hoat động “3 tại chỗ."

Tỉnh lập hơn 1.000 tổ COVID-19 cộng đồng và hơn 100 chốt tại nhiều điểm trên địa bàn để đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo phương châm “ở trong chặt và ở ngoài cũng chặt”; đã thiết lập 10 vùng cách ly y tế trên địa bàn.

[Sáng 28/7 ghi nhận 2.861 ca mắc mới, trong đó Hà Nội có 69 ca]

Tại An Giang, trong 3 ngày gần đây (ngày 25-27/7), số ca mắc tăng mạnh với hơn 110 ca, chủ yếu là các trường hợp F1 chuyển thành F0. Hiện toàn tỉnh đang có 175 trường hợp mắc COVID-19.

Với 3 chùm ca bệnh ở huyện Châu Thành, Châu Đốc và thành phố Long Xuyên, An Giang đã và đang đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm các trường hợp liên quan, do đó, dự kiến số ca bệnh sẽ gia tăng.

Tại Tiền Giang, từ ngày 5/6 đến nay, tỉnh có hơn 2.052 bệnh nhân COVID-19, có 231 ca khỏi, 32 ca tử vong. Hiện tại, tất cả các địa phương trong tỉnh đều có ca mắc. Những ngày gần đây, số ca nhiễm trên địa bàn tăng nhanh. Nếu thời gian đầu chỉ khoảng 30 ca/ngày thì nay có ngày tăng lên 200 ca/ngày. Tỉnh đề nghị Bộ Y tế chi viện thêm 10 bác sĩ chuyên ngành hồi sức.

Tại Bến Tre, từ 3/7 đến nay đã ghi nhận 585 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; 8 trong tổng số 9 huyện, thị đã có bệnh nhân COVID-19.

Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 19/7 đến nay, các tỉnh Bến Tre, An Giang và Tiền Giang cho biết đã yêu cầu người dân không ra đường nếu không có lý do thực sự cần thiết từ 18h hôm trước đến 6 giờ hôm sau.

Riêng với An Giang đang xem xét có thể kéo dài Chỉ thị 16. Còn Bến Tre đề xuất sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16 thì không dừng đột ngột mà giảm dần mức độ.

Thực hiện nghiêm giãn cách

 Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch của 4 địa phương này.

Tiến sỹ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng chí trong thời gian ngắn số ca dương tính của 4 địa phương gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truy vết, giám sát.

Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc giãn cách tránh tình trạng “bên ngoài chặt nhưng bên trong lỏng lẻo” bởi nếu không thực hiện nghiêm thì nguy cơ lây nhiễm gia tăng là hiện hữu.

Các địa phương cần thường xuyên đánh giá nguy cơ của từng khu vực theo từng mức độ và phân loại để triển khai giải pháp chống dịch phù hợp. Đối với khu vực nguy cơ rất cao cần nhanh chóng tổ chức truy vết triệt để nhằm cách ly nguồn lây ra cộng đồng.

“Cả khu giãn cách và cách ly đều cần phải tuân thủ quy định về thời gian lấy mẫu xét nghiệm. Cần tiếp tục tăng công suất xét nghiệm và trả kết quả nhanh hơn. Tuy nhiên, trong xét nghiệm cần linh động huy động nhân lực từ khu vực nguy cơ thấp sang khu vực có nguy cơ cao lấy mẫu," tiến sỹ Đặng Quang Tấn gợi ý.

Đồng thời, ông đề nghị các địa phương tăng tốc triển khai tiêm vaccine COVID-19, có thể lập thêm các điểm tiêm chủng lưu động. Việc tổ chức tiêm phải đảm bảo an toàn, thực hiện tiêm giãn cách, tránh tập trung đông người tại một thời điểm. Không để lãng phí bất kỳ liều vaccine nào.

Liên quan đến công tác cách ly, phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, nhấn mạnh Bộ Y tế đã có những hướng dẫn về phòng chống dịch và đảm bảo toàn trong các khu công nghiệp do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn này.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch ngay cả ở các doanh nghiệp; xét nghiệm định kỳ hàng tuần ít nhất cho 50% công nhân trong các nhà máy của các khu công nghiệp, xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tránh quá tải cho tuyến trên

 Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch của 4 tỉnh sẽ diễn biến phức tạp hơn.

Thứ trưởng đề nghị các tỉnh không chủ quan, tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc, quyết liệt trong bối cảnh số ca mắc tăng cao trong 9 ngày các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16. Đây là thời gian vàng, phải thực hiện đồng bộ "chặt trong-chặt ngoài."

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm để khoanh vùng, truy vết, phong tỏa. Tại các địa bàn bị phong tỏa, cần phải sàng lọc ít nhất 1% dân số bằng các phương thức xét nghiệm.

Bên cạnh đó, 4 tỉnh cần nâng cao năng lực cách ly với ít nhất 10.000 chỗ/tỉnh và xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn chi tiết Bộ Y tế đã ban hành.

Thực hiện đồng bộ 'chặt trong-chặt ngoài' để chống dịch COVID-19 ảnh 2Kiểm tra người và phương tiện vào thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tại chốt kiểm soát trên đường Ấp Bắc. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Trước dự báo số ca mắc có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải xây dựng ít nhất 5.000 giường điều trị, với ít nhất 100 giường ICU/tỉnh. Trung tâm ICU phải đặt ở bệnh viện đa khoa tỉnh, kết nối với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời kết nối các bệnh viện dã chiến hay bệnh viện tuyến dưới. Cùng với đó, các bệnh viện dã chiến cần đặt ở từng khu vực.

“Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ tập trung điều trị bệnh nhân nặng, các bệnh nhân còn lại thực hiện phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh quá tải cho bệnh viện đa khoa tỉnh, bởi tuyến cuối này còn tập trung chăm sóc sức khỏe cho người dân mắc các bệnh nặng khác," Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Đối với đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 10 bác sỹ hồi sức từ phía Tiền Giang, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao các Cục/Vụ liên quan để làm việc thống nhất lại với Sở Y tế Tiền Giang trình lãnh đạo Bộ Y tế điều phối phù hợp, tuy nhiên tỉnh phải có thời gian dự kiến và địa điểm làm việc của số bác sỹ này để phát huy hết năng lực khi đến hỗ trợ tỉnh.

“Về các trang thiết bị, Bộ Y tế đã thông tin là sẽ cấp phát cho các địa phương, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển về. Tuy nhiên, các địa phương phải phát huy năng lực 4 tại chỗ, chủ động trong phòng chống dịch," Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục