Thực hiện các giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế... đồng thời cải cách toàn diện, triệt để, mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Thực hiện các giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 1Đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 22/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường tiếp tục thảo luận về các văn kiện. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch nước điều hành phiên thảo luận.

Phiên họp buổi chiều đã có 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan: Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tài chính, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Đảng bộ tỉnh Điện Biên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tham luận.

Các ý kiến tập trung vào thảo luận về các giải pháp vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá về kinh tế, xã hội; vận dụng ba đột phá chiến lược để xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển; cải cách tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng an ninh, tăng cường hoạt động đối ngoại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.

Tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững

Trên cơ sở đánh giá về thực trạng kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngân sách nhà nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong tham luận về chủ đề "Tái cơ cấu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước," Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng quan điểm, mục tiêu và kiến nghị các giải pháp cần được nhấn mạnh hơn trong Nghị quyết Đại hội đối với giai đoạn 2016-2020 về phát triển và cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo cơ cấu ngân sách hướng tới phát triển, cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến cơ cấu ngân sách để đảm bảo ngân sách bền vững, phấn đấu cơ cấu thu ngân sách 80% là thu từ nội địa; các khoản thu từ dầu thô, thuế nhập khẩu, bán quyền sử dụng đất giảm hơn 5% trong tổng thu ngân sách.

Nếu đạt được cơ cấu này mới đảm bảo được ổn định và phát triển về ngân sách trong tình hình giá dầu thô biến động hiện nay và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế bởi hiện nay, Việt Nam thực hiện cắt giảm 11.600 dòng thuế, đến hết năm 2015 đã cắt được 8.300 dòng thuế.

Cần tiết kiệm trong thu chi thường xuyên để dành ngân sách cho đầu tư phát triển. Thay vì dành cho đầu tư và trả nợ chỉ khoảng 12% hiện nay, hướng phấn đấu phục hồi lại ở mức độ 20-25% vào năm 2020.

Về cơ cấu chi, tốc độ chi cho đầu tư phát triển phải tăng nhanh hơn chi thường xuyên và đảm bảo cơ cấu chi vào khoảng 24-25% so với tổng chi ngân sách nhà nước. Đồng thời cơ cấu lại chi thường xuyên dưới 60%; đảm bảo bội chi cả giai đoạn 2016-2020 bình quân dưới 4% để đảm bảo được nợ công dưới 65%, đảm bảo tính bền vững của ngân sách.

Kiến nghị các giải pháp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế... đồng thời cải cách toàn diện, triệt để, mạnh mẽ thủ tục hành chính, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp để tạo môi trường cạnh tranh về kinh doanh phát triển để tạo nguồn thu bền vững.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cần đưa ra yêu cầu mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xã hội hóa, giao quyền tự chủ đầy đủ, nhất là tự chủ về tài chính cho khối đơn vị sự nghiệp công, sao cho đối với ngành y tế trước năm 2018 và ngành giáo dục trước năm 2019 phải tự chủ được tối thiểu 80%, tiếp tục dồn nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, đối tượng nghèo, cận nghèo nhưng với vùng đô thị có điều kiện phải tập trung xã hội hóa ngay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định cần phát triển thị trường tài chính, tăng chuyển động vốn để doanh nghiệp huy động trực tiếp từ nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán, bớt lệ thuộc vào tình hình tín dụng.

Thực hiện phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện giải pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh, nghiên cứu xây dựng luật khuyến khích phát triển doanh nghiệp dân doanh, xây dựng chính sách thuế và cơ cấu tính thuế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng cơ chế và các quỹ khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thay cho cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị

Thực hiện các giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 2Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Qua thực tiễn của Quảng Ninh, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã làm rõ thêm về nội dung "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở."

Đại biểu cho biết: sau khi phân tích những hạn chế, yếu kém, làm rõ nguyên nhân, yếu tố tác động về tổ chức, bộ máy, cơ chế vận hành, năng lực lãnh đạo, hiệu lực quản lý và tổ chức thực hiện của các tổ chức trong hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quyết liệt đề án đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế.

Đảng bộ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp mang tính đột phá: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo; cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhân dân; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác lựa chọn, đánh giá bổ nhiệm cán bộ; nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm của địa phương, đồng chí Đỗ Thị Hoàng nhấn mạnh: Kết quả đạt được chưa nhiều nhưng là quyết tâm của cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh, thể hiện ở tư tưởng chủ động dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, những việc chưa có quy định nhưng thực tế đòi hỏi cần mạnh dạn đề xuất và thực hiện thí điểm.

Kết quả đó là bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương.

Đó là bài học về sự chủ động, linh hoạt sáng tạo, quyết liệt bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức Đảng, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cải cách hành chính và tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đảng viên.

Từ những thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, cần tăng cường phân cấp triệt để về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế gắn với thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát và quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đổi mới công tác cán bộ, sớm ban hành quy chế thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; bổ sung các quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp gồm "phần cứng" ổn định theo ngạch bậc và phần " mềm" theo hiệu suất, sáng kiến; sớm chỉ đạo xây dựng và thực hiện thí điểm nhất thể hóa một số tổ chức, chức danh lãnh đạo của cơ quan tổ chức có chức danh, nhiệm vụ tương đồng...

Tăng cường hoạt động đối ngoại đối với các tỉnh biên giới

Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã trình bày tham luận với chủ đề "Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng-an ninh và tăng cường hoạt động đối ngoại đối với các tỉnh biên giới." Theo đó, để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng-an ninh và tăng cường đối ngoại, cần tiếp tục đổi mới sâu rộng, toàn diện phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức hội, hội quần chúng bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, của tỉnh và của tổ chức cấp trên; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời, để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp các cơ quan trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò chủ động, tích cực của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc.

Liên quan đến việc đảm bảo quốc phòng-an ninh, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nòng cốt là lực lượng vũ trang cần nắm chắc tình hình, nhận định, dự báo đúng tình hình, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cùng với đó, tỉnh Điện Biên kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách, giúp các tỉnh có biên giới có điều kiện mở rộng và tăng cường hoạt động đối ngoại; thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác tiềm năng, lợi thế của khẩu biên giới đất liền; tăng cường hợp tác trao đổi nắm tình hình; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, với khai thác có hiệu quả kinh tế đối ngoại, tiềm năng lợi thế cửa khẩu; xây dựng biên giới ổn định, hòa bình và phát triển.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng

Thực hiện các giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 3Đồng chí Mai Thế Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Thay mặt Ủy ban Kiểm tra Trung ương, làm rõ hơn vấn đề "Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới," đồng chí Mai Thế Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: Thực tiễn hoạt động của Đảng 86 năm qua đã chứng minh kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, có vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ qua đã tiếp tục được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra, cần nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện đồng bộ các giải pháp: tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, phương thức lãnh đạo của Đảng - một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, phải coi trọng, phát huy trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phản biện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đối với tổ chức Đảng, đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra các cấp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi trách nhiệm, Điều lệ Đảng, chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để đề xuất, bổ sung, phát triển chủ trương, quan điểm, phương pháp, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng...

Ngày mai, 23/1/2016, Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII./.

Thực hiện các giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 4

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục