Với mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, sáng 29/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Diễn đàn Xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam-Hàn Quốc.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã có những chia sẻ về một số kinh nghiệm để các doanh nghiệp nông sản Việt thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm. Riêng các mặt hàng nông sản hiện vẫn chưa được xuất khẩu nhiều vào Hàn Quốc.
Theo ông Hong Sun, để xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc hay các thị trường khác, sản phẩm phải được công nghiệp hóa và tiêu chuẩn hóa, chủng loại phải giống nhau… Trong khi đó, hiện chủng loại nông sản của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, chưa có thương hiệu thật mạnh nên khó tìm thấy đối tác đủ năng lực và đạt tiêu chuẩn.
Mặt khác, dù giá cả trái cây Việt Nam rẻ hơn Hàn Quốc, song khi xuất khẩu ra nước ngoài vẫn chưa phải là thấp, khó cạnh tranh. Nhất là ở Việt Nam có xảy ra tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thường cạnh tranh nhau bằng giá rẻ.
Đồng thời xuất hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lừa đảo, nhận tiền nhưng không gửi hàng. Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nặng tới uy tín của nông sản Việt Nam cũng như tác động trực tiếp đến thu nhập của người nông dân.
Ông Son Sung Hoon, Tổng giám đốc CJ Freshway Việt Nam cũng cho rằng, để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ổn định từ trang trại, thay vì một số mặt hàng phải nhập khẩu từ nước ngoài như hiện nay.
Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng nhập khẩu. Chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề từ ban đầu, dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần hướng dẫn cho nông dân biết về những tiêu chuẩn này để có thể sản xuất ra những mặt hàng đạt tiêu chuẩn, chất lượng nhập khẩu.
Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những điểm yếu trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nông trại trong việc kiểm soát quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
[Mong Hàn Quốc tạo điều kiện cho hàng nông-thủy-hải sản Việt Nam]
Để giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng nông sản ở Việt Nam, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp có thể đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra quốc tế. Kèm theo đó là có chính sách tư vấn cho người nông dân về kỹ thuật, bảo đảm đầu tư cho người dân nâng cao chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm…
Ngoài vấn đề sản xuất, bà Kim Yae Jin, Phó Trưởng chi nhánh Tổng công ty thương mại thực phẩm và nông thủy sản Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ một số xu hướng tiêu dùng của người dân Hàn Quốc hiện nay.
Theo bà Kim Yae Jin, vấn đề đầu tiên người tiêu dùng Hàn Quốc quan tâm khi mua hàng, đó là độ an toàn của sản phẩm.
Bên cạnh đó, người dân bắt đầu chuyển qua mua hàng trực tuyến nhiều hơn và chú ý tới những sản phẩm có ý tưởng tiếp thị độc đáo, thu hút, thân thiện với môi trường. Đây là những xu hướng tiêu dùng quan trọng nhất mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý để có chiến lược phù hợp khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc.
Tại hội thảo, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng thông tin đến các doanh nghiệp một số quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Hàn Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về nhập khẩu, xu hướng tiêu dùng của người dân Hàn Quốc trước khi thâm nhập vào thị trường này.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, với mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục tăng mạnh qua các năm.
Đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, dù đã có nhiều bước tiến trong thời gian qua cả về kim ngạch xuất khẩu, dự án đầu tư… tuy nhiên vẫn chưa tương xứng tiềm năng.
Do vậy, diễn đàn lần này là dịp để các cơ quan quản lý thông tin đến các doanh nghiệp về tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát lại các quy trình thủ tục còn vướng mắc để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều về nông sản trong thời gian tới.
Diễn đàn cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh, đầu tư cũng như tạo cơ chế phối hợp thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hợp tác đầu tư./.