Các đại biểu khẳng định qua bảy năm thực hiện Luật Xuất bản, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã được cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố quan tâm, triển khai sâu rộng.
Thống kê được đưa ra tại hội nghị toàn quốc sơ kết bảy năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 25/11, tại Hà Nội, cho thấy ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, đã có trên 3.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Luật Xuất bản với các hình thức hội nghị, tập huấn, trao đổi cho nhiều đối tượng, chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
Việc thực thi các quy định về bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm được thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao của đối tượng quản lý cũng như giữ được sự ổn định, phát triển đúng hướng của hoạt động xuất bản. Việc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản và bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản được đẩy mạnh. Việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm được thực hiện nghiêm, đúng quy định.
Chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản được thực hiện. Công tác quản lý về nội dung xuất bản phẩm được quan tâm, chú trọng qua công tác đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu. Hoạt động thanh, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai đều khắp, toàn diện ở cả ba lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Luật Xuất bản năm 2012. Cụ thể, Luật Xuất bản quy định 12 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung và trong từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành nói riêng, tuy nhiên, trong bảy năm thực hiện chỉ có một số ít chính sách được triển khai.
[Nỗ lực vượt khó, phát triển xuất bản trước tác động của dịch COVID-19]
Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng chuyển giao công nghệ-kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản, cơ sở in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại và cơ sở in tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả.
Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt việc bảo đảm các điều kiện cho các nhà xuất bản trực thuộc theo quy định. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn chậm; chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng răn đe, chưa sát thực tiễn. Số lượng thủ tục hành chính và tần suất giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều...
Các đại biểu dự hội nghị kiến nghị thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về hoạt động xuất bản nhằm thúc đẩy xuất bản phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, định hướng việc xây dựng Luật xuất bản sửa đổi, bổ sung; kiến nghị Quốc hội khóa XV xem xét, sửa đổi Luật Xuất bản.
Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp cụ thể hóa một số chính sách quan trọng để phát triển hoạt động xuất bản. Trước mắt, tập trung vào một số chính sách về ưu đãi thuế, tiền thuê nhà, thuê đất đối với doanh nghiệp nhà xuất bản, các cơ sở in, phát hành in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại và cơ sở in tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; hỗ trợ mua bán bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ-kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản để xuất bản xuất bản phẩm điện tử...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý phối hợp với hoạt động xuất bản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ.
Các cơ quan chủ quản nhà xuất bản cần thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm điều kiện hoạt động của nhà xuất bản trực thuộc; nghiên cứu chuyển đổi nhà xuất bản trực thuộc theo loại hình tổ chức phù hợp; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, trước hết là đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản./.