Nước sạch và vệ sinh môi trường là một nhu cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày của con người. Thế nhưng, thực trạng hiện nay cho thấy, chúng ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và khan hiếm nguồn nước sạch.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, trong cơ cấu bệnh tật thì tỷ lệ mắc cao nhất vẫn là các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn và ký sinh trùng đường ruột...
[Thế giới vẫn cần cảnh giác với nguy cơ dịch tả ở quy mô toàn cầu]
Nếu các nguồn nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt của con người không đảm bảo vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Nhằm tìm các giải pháp thúc đẩy nhanh, mạnh nguồn nước sạch tới từng người dân, nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, chiều 15/11, tọa đàm với chủ đề “Phủ sóng nước sạch về nông thôn tại Hưng Yên - cầu nối từ nguồn vốn xã hội hóa” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, Ban tổ chức mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp về những thách thức trong đầu tư, phát triển nguồn nước sạch; kiểm soát chất lượng nước, chất lượng cấp nước; các giải pháp đầu tư cho chương trình nước sạch gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó nâng cao chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận xoay quanh 2 chủ đề: Chính quyền và doanh nghiệp cùng nỗ lực nâng tỷ lệ bao phủ nước sạch tại Hưng Yên; xã hội hóa ngành cấp nước, gỡ "nút thắt" để thu hút nguồn lực nhằm giúp các hộ dân tiếp cận với nước sạch, tăng nhanh tỷ lệ người dân, nhất là người dân tại những vùng nông thôn trong tỉnh Hưng Yên được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 31 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý 37 nhà máy sản xuất nước sạch, cấp cho 45 hệ thống cấp nước tập trung. Các hệ thống cấp nước tập trung này đã được quy hoạch cấp nước cho 161 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Với tốc độ và lộ trình hiện nay, đến năm 2020, việc “phủ sóng” mạng lưới cấp nước sạch cho 100% người dân toàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang, hiện các nhà máy nước tại tỉnh chưa đảm bảo lưu lượng nước, chất lượng nước, do vậy năm 2017, tỷ lệ cấp nước của tỉnh mới chỉ đạt 29%. Hơn nữa, so với các tỉnh khác như Thái Bình, Hải Dương thì Hưng Yên chưa có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng nguồn ngân sách nào, giá nước sạch cũng chưa điều chỉnh trong vòng 6 năm trở lại đây.
Chính vì vậy, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách, tiến hành cổ phần hóa, từ đó yêu cầu chính quyền địa phương, các cấp các ngành đẩy mạnh xã hội hóa nước sạch nhằm phủ kín mạng lưới cấp nước sạch cho người dân.
Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, để tăng cường hiệu quả nước sạch ở nông thôn, nên phân vùng các địa bàn trong cả nước bằng việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, cần có cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân; cam kết nâng cao nhận thức sử dụng nước của người dân.
Đối với tỉnh Hưng Yên, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao tuyên truyền, vai trò trách nhiệm của cộng đồng với lộ trình phát triển nông thôn mới; tuyên truyền cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư; sự tham gia của người dân và cộng đồng, nhất là người dân ở những vùng nông thôn trong việc sử dụng nước sạch.
Một số đại diện doanh nghiệp tư nhân cung cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên cũng chia sẻ những vướng mắc khi đầu tư nước sạch về nông thôn như: Nguồn vốn, ưu đãi kinh phí cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn; tham gia đóng góp một phần kinh phí của người dân sử dụng nước sạch; hỗ trợ liên quan đến giá nước sạch; lượng sử dụng nước sạch của người dân còn rất thấp...
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng bày tỏ mong muốn đề nghị có chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư 100%.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận nhằm tìm ra giải pháp góp phần đẩy nhanh nguồn nước sạch tới từng người dân nông thôn.
Những giải pháp được kiến nghị đưa ra như tập trung triển khai xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động để người dân dễ tiếp cận và dùng nước sạch có kiểm soát.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho doanh nghiệp cấp nước đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành cùng chỉ đạo quyết liệt chủ trương xã hội hóa cung cấp nước sạch./.