Thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế quốc tế

Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, quan hệ với ASEAN được nhấn mạnh đặc biệt, trong đó quan hệ với Việt Nam được coi là then chốt nhất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: khmertimeskh.com)

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Vai trò và triển vọng của ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế đầy biến động hiện nay.”

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan đối tác của Nhật Bản.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chiếm 3/5 dân số toàn cầu, 60% GDP toàn thế giới.

Với sự phát triển năng động, đóng góp chính trị to lớn, khu vực này càng ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong việc định hình trật tự thế giới mới. Có thể thấy, Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực địa chính trị, do ASEAN được chọn làm trung tâm cạnh tranh giữa các nước lớn.

[ASEAN, Nhật Bản cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác]

Nhiều nước trong khu vực lần lượt tuyên bố tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản là nước tích cực nhất trong khu vực muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng dựa trên luật lệ, tuyên bố rõ khu vực Ấn Độ Dương cần được bảo đảm tự do hàng hải và hàng không dựa trên luật pháp quốc tế được thực thi.

Theo Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, quan hệ với ASEAN được nhấn mạnh đặc biệt, trong đó quan hệ với Việt Nam được coi là then chốt nhất.

Hội thảo này nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và hiểu biết về nội hàm các chính sách và sáng kiến của Nhật Bản liên quan Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như nhằm chia sẻ quan điểm của hai bên về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN trong liên kết kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Phó Giáo sư Sanae Suzuki, chuyên gia ngành quan hệ quốc tế, Đại học Tokyo nhận định Nhật Bản đánh giá cao vai trò hợp tác với các quốc gia trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng vì mục tiêu hợp tác cùng có lợi, hướng tới lợi ích của người dân và các bên liên quan.

Đồng thời, ASEAN cũng cần nâng cao vai trò của Chủ tịch cũng như của các đặc phái viên đối với các vấn đề liên quan đến trật tự khu vực; chú ý đến các vấn đề nhân đạo trong phát triển thương mại, an ninh hàng hải…

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết kinh tế quốc tế là phù hợp với xu thế tự do hóa và hội nhập kinh tế khu vực.

Trong đó, việc đẩy mạnh các cơ chế hợp tác kinh tế với ASEAN làm trung tâm sẽ giúp mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hơn nữa, khi là một phần trong các mắt xích liên kết kinh tế quốc tế khu vực, các nước thành viên ASEAN sẽ phải không ngừng đổi mới, điều chỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn.

Qua đó, tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ từ các nước ASEAN mà cả từ các nước ngoại khối, nhất là nguồn vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ các nước đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị khu vực...

Tại hội thảo, các chuyên gia thảo luận về ý nghĩa và tác động của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN với việc thực thi Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; vai trò của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong việc hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao tự chủ chiến lược và sức chống chịu kinh tế; hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong khung khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở vì phát triển hòa bình, thịnh vượng, bao trùm trong bối cảnh quốc tế mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục