Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa tổ chức Đối thoại Chính sách về tăng cường năng lực kinh doanh của phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện Ủy ban Điều phối ASEAN về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME), Ủy ban ASEAN về phụ nữ (ACW), Hội nghị Quan chức cấp cao nông lâm nghiệp ASEAN (SOM-AMAF) và Mạng lưới Nữ doanh nhân ASEAN đã tập trung thảo luận về Khung Chiến lược tổng thể, liên ngành, quốc gia và khu vực để trao quyền cho phụ nữ và khai thác tiềm năng khởi nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại sự kiện được tổ chức trực tuyến này, ACCMSME đã công bố báo cáo cơ sở về “Tăng cường năng lực kinh doanh của phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước ASEAN” được soạn thảo với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ACW và SOM-AMAF.
[Phụ nữ đóng góp cho công cuộc phục hồi toàn diện, bền vững của ASEAN]
Báo cáo trên đề cập đến các yếu tố cản trở triển vọng phát triển kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19, và đề xuất một khung chính sách đa ngành nhằm giải quyết các khó khăn này.
Theo báo cáo, nông nghiệp là nguồn việc làm quan trọng của phụ nữ ASEAN khi thu hút tới 26,7% lực lượng lao động nữ khu vực.
Phát biểu khai mạc, bà Dato “Suriani Dato” Ahmad, Chủ tịch ACCMSME kiêm Tổng Thư ký Bộ Hợp tác và phát triển doanh nhân Malaysia, nhấn mạnh trao quyền cho nữ doanh nhân luôn là một nội dung trong chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ASEAN.
Bà cũng cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành để đạt được mục tiêu này.
Trong khi đó, ông Abdullah Mojadeddi, Bí thư thứ nhất Phái đoàn Canada tại ASEAN, nhấn mạnh rằng việc hiểu rõ tiềm năng kinh tế và xã hội của phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần vào sự phục hồi của ASEAN.
Về phần mình, ông Alexander Bohmer, Vụ trưởng Nam Á và Đông Nam Á thuộc OECD, khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp ASEAN và chia sẻ kết quả một số báo cáo của OECD về sự cần thiết tăng năng suất và giá trị gia tăng của lĩnh vực này.
Dự kiến, các kết quả của cuộc đối thoại chính sách này sẽ được lồng ghép trong bộ hướng dẫn chính sách cấp cao cho các chính phủ và nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ và nữ doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối thoại chính sách về tăng cường năng lực kinh doanh của phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp là một sáng kiến nằm trong Kế hoạch Hành động chiến lược ASEAN về phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016-2025, được OECD và Chính phủ Canada tài trợ./.