Ngành năng lượng Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang cơ chế thị trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ngành cũng từng bước thúc đẩy và huy động được nguồn lực lớn cho phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế; đặc biệt là khối tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020: Triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” được tổ chức ngày 22/7, tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng như vậy nhưng ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế và cần phải được khắc phục để giải quyết trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định năng lượng là ngành kinh tế- kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn chặt chẽ với những hoạt động về chính trị-ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
[Mega Story] Tiềm năng hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Thụy Điển
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đó của ngành năng lượng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phát triển năng lượng, điển hình là Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Kết luận số 26, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 15 năm thực hiện Kết luận 26, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổng kết để ban hành một Nghị quyết mới, phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới của đất nước.
Qua tổng kết cho thấy trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra.
Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Trên cơ sở Đề án tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 55).
Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.
Trong thời gian qua, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các định hướng và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) vào thực tiễn, một số địa phương và doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và kịp thời xử lý, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển năng lượng. Việc xây dựng, bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện, nhất là các nguồn điện tái tạo được chú trọng và nâng cao hiệu quả. Nhiều dự án năng lượng sạch và tái tạo quy mô lớn được đề xuất thực hiện phù hợp với những quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết 55.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết 55, Ban cán sự đảng Chính phủ đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết.
Tuy nhiên, trong quá trính triển khai, việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Thông qua Diễn đàn ngày hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như các cơ chế, chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 55.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình và cách làm hay trong phát triển năng lượng của các địa phương cũng như kinh nghiệm quốc tế; tạo cơ hội cho các lãnh đạo địa phương, các đại biểu trải nghiệm các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng thông qua hoạt động triển lãm.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề trọng tâm.
Các đại biểu xác định rõ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn để cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng nêu tại Nghị quyết 55; kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết, nhất là về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả.
Các đại biểu thảo luận về cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công từ chủ yếu là năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Các cơ chế tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực đầu tư phát triển năng lượng quốc gia; vấn đề công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng...
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện; xử lý những vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng có quy mô lớn theo quan điểm, chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, các đại biểu trao đổi, đề xuất những vấn đề lớn, mang tính chiến lược để tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế phát triển; trong đó, chú trọng một số địa phương hiện đang còn nhiều khó khăn.
Các đại biểu sẽ tập trung những vấn đề vướng mắc chủ yếu về chính sách pháp luật hiện nay tại các địa phương để đề xuất, kiến nghị xử lý toàn diện, triệt để.
Ngoài ra, tại Diễn đàn sẽ đề cập các kinh nghiệm quốc tế về mô hình, cơ chế, chính sách, các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển bền vững; đồng thời đánh giá làm rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; mối quan hệ hữu cơ, tác động đến các đối tượng chịu tác động của chính sách từ nhà nước-doanh nghiệp-người dân-các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước. Từ đó đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách.
Tại Diễn đàn này, sẽ diễn ra Lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ đầu tư với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, giữa nhóm các nhà đầu tư trong các Dự án năng lượng với nhau và với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn.
Các ghi nhớ này với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD thể hiện sự quyết tâm của các địa phương và doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong đầu tư, phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới./.