Nhằm thúc đẩy hành trình chuyển đổi số trong ngành xây dựng, giới chuyên gia cho rằng việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như “mô hình thông tin công trình” (Building Information Modeling - BIM) là cần thiết. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược dài hạn giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, còn tối ưu năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ.
Chia sẻ tại lễ ký kết “Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Autodesk và Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam” diễn ra sáng 5/4, ông Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay trong lĩnh vực xây dựng, nhiều công nghệ mới đã được phát triển và được ứng dụng vào thiết kế, thi công, quản lý hiệu quả. Và, BIM là một trong những mô hình có tác động tích cực đến lĩnh vực này.
Để thúc đẩy cho việc phát triển của ngành xây dựng càng nhanh hơn cũng như đạt hiệu quả tối đa, Chính phủ đã có chủ trương thúc đẩy và giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, tham mưu trên các chính sách để phê duyệt các kế hoạch và lộ trình triển khai áp dụng BIM.
“Hiện nay, các doanh nghiệp cũng nắm bắt được xu thế ứng dụng BIM để nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng và quản lý công trình. BIM đã được triển khai ở các công trình có thiết kế và hệ thống kỹ thuật phức tạp trong đó có cả các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tư nhân,” ông Long nói.
[Cần đảm bảo tính nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng]
Theo Quyết định 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng,” BIM sẽ được áp dụng bắt buộc với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án (giai đoạn I, từ năm 2023).
Từ năm 2025 (giai đoạn II), BIM được áp dụng bắt buộc với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Ông Thân Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị VC Group (Tổ hợp Tư vấn Xây dựng Việt Nam) cho hay việc "bắt tay" với Autodesk là không chỉ là bước đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ BIM vào xây dựng mà còn khẳng định cam kết của hai bên trong việc hưởng ứng các định hướng của Chính phủ; đóng góp vào sự phát triển của ngành xây dựng trong hành trình chuyển đổi số.
Bà Serene Sia - Giám đốc Điều hành khu vực ASEAN của Autodesk khẳng định doanh nghiệp này đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các Chính phủ và doanh nghiệp trong việc triển khai BIM trong xây dựng. Autodesk cam kết nỗ lực tìm kiếm giải pháp tăng cường hợp tác chiến lực với mục đích thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số; thúc đẩy việc ứng dụng BIM hiệu quả tại Việt Nam./.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay có nhiều định nghĩa về BIM khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên BIM có thể hiểu là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình.” |