Thúc đẩy tự do hóa thương mại trong các nền kinh tế thành viên APEC

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản kinh tế Trung ương, về vấn đề thúc đẩy mục tiêu tự do hóa thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy tự do hóa thương mại trong các nền kinh tế thành viên APEC ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang ở giai đoạn quan trọng nhằm đẩy mạnh nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Bên lề Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản kinh tế Trung ương về vấn đề thúc đẩy mục tiêu tự do hóa thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

- Ông đánh giá như thế nào về tiến trình thực hiện các Mục tiêu Bogor của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Thực hiện Mục tiêu Bogor đối với các nền kinh tế thành viên phát triển là năm 2010, đối với các nền kinh tế đang phát triển là năm 2020 bao gồm cắt giảm rào cản đối với thương mại và đầu tư, tăng cường lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn, thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.

Theo tiến trình này, hàng năm Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có báo cáo về Mục tiêu Bogor. So với cách đây 10-15 năm, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương có độ mở cửa cao hơn rất nhiều, các hàng rào giảm đi rất đáng kể. Nhờ đó tạo nên một Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng năng động, tạo ra sự thịnh vượng và xóa đói giảm nghèo cho toàn khu vực.

Đồng thời, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng là chất xúc tác để hình thành nên rất nhiều hiệp định thương mại và đóng góp đáng kể cho Tổ chức Thương mại Thế giới về mặt thương mại, đầu tư, phát triển, nâng cao năng lực.

Tôi cho rằng, ngoài nỗ lực để hoàn thành Mục tiêu Bogor, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phải tính đến việc liên kết hội nhập mạnh hơn với cách thức thích hợp hơn trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới khó khăn, thương mại giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh và sáng tạo. Để làm được điều này, mấu chốt vẫn là tự do hóa thương mại.

- Vậy theo ông, chìa khóa thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là gì?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Chìa khóa chính là lòng tin, ý chí chính trị và sự đồng thuận tương đối của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề lao động, dân chúng, doanh nghiệp. Hội nhập, tự do hóa thương mại đầu tư đã đem lại nhiều thành tựu về phát triển. Điều này được nhìn rõ nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực năng động nhất trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tự do hóa thương mại, các nền kinh tế thành viên cũng cần kết hợp kết quả nghiên cứu quá trình phát triển Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, có tiếng nói của mình và xây dựng niềm tin đồng thuận từ các thành viên.

- Chủ đề và các ưu tiên do Việt Nam đề xuất ở Năm APEC Việt Nam 2017 có tác động như thế nào với tiến trình tự do hóa thương mại khu vực này?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Chủ đề do Việt Nam đề xuất khá phù hợp với thời điểm hiện nay và nhận được sự đồng thuận nhanh chóng từ phía các nền kinh tế thành viên. Chúng ta cần một động lực mới cho tăng trưởng để phát triển, đồng thời đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương.

Bốn ưu tiên của Việt Nam cũng thích hợp với đòi hỏi hiện tại của khu vực trong bối cảnh mỗi nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đều có những biến chuyển riêng về chính sách.

Chủ đề và ưu tiên của Năm APEC 2017 đã tạo ra dấu ấn tích cực để Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển, gắn hội nhập với phát triển trong một giai đoạn hết sức khó khăn ở quy mô ngắn hạn lẫn dài hạn, trong đó yếu tố then chốt là tự do hóa thương mại.

Quan trọng hơn, những nội dung chủ đề và ưu tiên mà Việt Nam đưa ra chính là nền tảng cho quá trình hợp tác, triển khai những chương trình, cam kết của từng thành viên trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; gắn với nó là việc tạo ra sự năng động mới, điều kiện mới, lợi ích mới cho cộng đồng doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục