Sau nhiều năm, quan hệ trong lĩnh vực thương mại-đầu tư giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không ngừng phát triển mạnh mẽ.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Giáo sư Lưu Anh thuộc Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết đã 8 năm liên tiếp, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong 6 năm qua.
Kể từ khi hai bên khởi động cơ chế đối thoại năm 1991, kim ngạch thương mại hai chiều được nâng từ 8 tỷ USD lên mức 452 tỷ USD vào năm 2016, tăng khoảng 56 lần trong vòng 15 năm.
Trên phương diện đầu tư, tổng lượng đầu tư song phương tăng từ mức 500 triệu USD của năm 1991 lên 180 tỷ USD vào năm 2016, tăng khoảng 360 lần trong 15 năm.
Các số liệu về thương mại, đầu tư tăng trưởng ngoạn mục là do hai bên có nhiều lợi thế so sánh, có thể bổ trợ cho nhau trong những lĩnh vực đó.
[ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC]
Theo Giáo sư Lưu Anh, sự phát triển của quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN trong những năm tiếp theo sẽ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của mỗi bên.
Để khai thác tối đa tiềm năng, triển vọng hợp tác này, Trung Quốc và ASEAN cần thực hiện một số giải pháp như kết nối về mặt chính sách, tăng cường sự tin cậy chính trị, đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông đường hàng không, đường bộ, đường biển, hệ thống mạng…
Ngoài ra, hai bên cũng cần tăng cường kết nối trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và tài chính.
Hiện nay, các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong ASEAN như Việt Nam, Lào, Campuchia được xây dựng với tốc độ nhanh, có tác dụng hỗ trợ quan trọng quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thông tin hóa tại các quốc gia này.
Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh, về đầu tư, cả Trung Quốc lẫn ASEAN đều cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, đề xuất thêm những biện pháp, chính sách thu hút đầu tư của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai bên, đặc biệt là trong giai đoạn bước ngoặt của sự phục hồi kinh tế thế giới hiện nay.
Trung Quốc và ASEAN cũng cần nâng cao tỷ trọng lưu thông vốn trực tiếp, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là Trung Quốc cần tăng cường hỗ trợ ASEAN trong lĩnh vực thị trường vốn, kết nối tài chính bởi tài chính đóng vai trò đòn bẩy, thúc đẩy hợp tác song phương.
Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại - làm gia tăng rủi ro trong dịch chuyển dòng vốn xuyên quốc gia trên phạm vi toàn cầu, việc tăng cường hợp tác tài chính giữa Trung Quốc và ASEAN có vai trò quan trọng đối với phòng ngừa rủi ro bên ngoài, nâng cao sự ổn định đồng tiền của mỗi nước, phòng chống khủng hoảng tài chính.
Ngoài ra, Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và du lịch./.