Thúc đẩy tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc

Các doanh nghiệp Séc có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất và xuất khẩu trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN))

Ngày 5/12, tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Séc và Phòng Kinh tế Séc tổ chức hội thảo với chủ đề "Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Cộng hòa Séc và giới thiệu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)" nhằm cung cấp cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan thông tin truyền thông sở tại những thông tin mới nhất về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là những cơ hội mà EVFTA mang lại.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Séc Hồ Minh Tuấn, lãnh đạo Phòng Kinh tế Séc cùng hơn 100 đại biểu của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Liên đoàn Công nghiệp và giao thông cùng nhiều doanh nghiệp Séc.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh Việt Nam và Séc có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đây chính là cơ sở vững chắc để tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Đại sứ đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại hai nước đang ngày càng phát triển. Điều này được thể hiện qua số liệu thống kê thương mại hai chiều tăng liên tục trên 15% trong những năm gần đây và dự báo năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với năm 2013.

Thời gian tới, hai nước có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong bối cảnh EVFTA đang chuẩn bị được ký kết, phê chuẩn và đi vào thực hiện.

Đại sứ nêu bật ý nghĩa của EVFTA là hiệp định chất lượng cao mang tính toàn diện và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời khẳng định hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của EU, trong đó có Séc, đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu sang thị trường Việt Nam với các mặt hàng máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải…

[Nghị sỹ Séc ủng hộ tăng cường hợp tác song phương với Việt Nam]

Trong khi đó, Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu sang EU các sản phẩm giày, dép, dệt may, nông nghiệp nhiệt đới, thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng công nghiệp.

Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước, Đại sứ Hồ Minh Tuấn đề nghị các cơ quan chức năng và giới doanh nghiệp Séc có những hành động cụ thể, thiết thực góp phần tác động để sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ông Borivoj Minar, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Về phần mình, ông Borivoj Minar, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc-nhất trí với đánh giá của Đại sứ Hồ Minh Tuấn về tiềm năng hợp tác kinh tế hai nước, nhất là cơ hội từ EVFTA.

Ông cho rằng EVFTA sẽ giúp tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và giữa Việt Nam với Séc nói riêng.

Là thành viên của EU và có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam, Séc có thể mạnh và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia.

Các doanh nghiệp Séc có thể hỗ trợ chia sẻ tri thức và công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm của mình.

Theo đánh giá của ông Jaromir Dudak, chuyên viên cấp cao phụ trách thị trường châu Á, Bộ Công Thương Séc, EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Séc và Việt Nam, nhất là góp phần gia tăng đáng kể thương mại giữa hai nước cũng như đầu tư của Séc vào Việt Nam.

Séc coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của Séc sang thị trường Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do đó, Séc mong muốn các cơ quan chuyên môn của Việt Nam giới thiệu địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp Séc lựa chọn làm đối tác đầu tư tại Việt Nam.

Nhận định về vấn đề này, ông Jan Petr Roman, Vụ trưởng Vụ châu Á và chính sách thương mại Bộ Nông nghiệp Séc, cho rằng EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Séc nói riêng, cũng như EU nói chung tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả, cải thiện thể chế và gia tăng dòng chảy thương mại kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hợp tác song phương giữa Việt Nam và Séc.

EVFTA mang lại giá trị to lớn cũng như đặt ra yêu cầu tuân thủ cam kết các tiêu chuẩn và quy định của EU đối với Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Séc liên quan đến tác động của EVFTA đối với Séc và Việt Nam, ông Trần Hiệp Thương-Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Séc-cho rằng EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi mới cho các doanh nghiệp của Việt Nam, Séc nói riêng và EU nói chung vì theo cam kết của hiệp định này, tất cả những dòng thuế có lộ trình gần như trở về không.

Điều đó có nghĩa hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông sản và thủy sản, có điều kiện tiếp cận thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, phía Séc hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam thời gian qua cùng phối hợp với EU xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU).

Theo ông Jan Petr Roman, Ủy ban châu Âu (EC) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết vấn đề này từ tháng 10/2017.

Lãnh đạo Phòng Thương mại Séc bày tỏ hy vọng vấn đề này sẽ sớm được xử lý vì EU đóng vai trò là một bên tham gia giải quyết.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức triển lãm ảnh giới thiệu về đất nước, con người, tiềm năng và thành tựu của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục