Thúc đẩy thương mại khu vực để phục hồi kinh tế toàn cầu

Nhiều người đang ngày càng kỳ vọng rằng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiên tiến và coi nó như một động cơ mới cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
(Nguồn: businesskorea.co.kr)

Bài phân tích trên báo The Straits Times nhận định bất chấp những thách thức mà cuộc khủng hoảng y tế công toàn cầu COVID-19 và những "cơn gió ngược" chống toàn cầu hóa đặt ra, người ta ngày càng kỳ vọng rằng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiên tiến.

Là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết gần đây, ba nước này đặt nền tảng quan trọng cho một FTA mà nếu được ký kết sẽ trở thành động cơ mới cho sự hội nhập kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Vai trò của bộ ba Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản

Các ngành công nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có tính bổ sung cao và khối lượng thương mại ba bên đã tăng từ 132 tỷ USD năm 1999 lên 622 tỷ USD vào năm 2019 - tương đương mức tăng 370% trong 20 năm.

Ba nền kinh tế này chiếm đến 70% quy mô nền kinh tế châu Á và 20% nền kinh tế thế giới.

Cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc được cho là sẽ nằm trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2021.

Tuy nhiên, thương mại giữa ba nước mới chỉ chiếm 23% tổng thương mại của họ, thấp hơn rất nhiều so với mức 65% thương mại giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 40% giữa các nền kinh tế thuộc Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

[Kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản]

Trong khi dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã dẫn tới sự thu hẹp của các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên, công nghiệp và kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp thúc đẩy sự hội nhập của các chuỗi cung ứng và công nghiệp của họ.

Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ba quốc gia này không nên chỉ tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy ký kết một FTA ba bên tiên tiến, mà còn cần gia tăng lòng tin lẫn nhau để họ có thể hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều này không chỉ giúp giảm bớt phí giao dịch và thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Á, mà còn đóng góp vào sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khôi phục trật tự thương mại thế giới, và làm cho ba nền kinh tế này trở thành những lực lượng giữ ổn định và động cơ cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Đông Nam Á được hưởng lợi

Bên cạnh đó, RCEP được coi là một bước tiến tới môi trường thương mại tốt đẹp hơn, đặc biệt đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Năm 2020 đánh dấu sự mở rộng sâu sắc quan hệ thương mại của Indonesia với các đối tác chủ chốt của nước này khi họ hoàn tất RCEP đã được chờ đợi từ lâu trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngừng trệ do dịch bệnh.

Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới này chiếm gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu.

RCEP có ý nghĩa quan trọng đối với Indonesia vì các nước tham gia hiệp định chiếm tổng cộng 56,1% tổng xuất khẩu của Indonesia và 94,4% tổng nhập khẩu của nước này trong tháng 10/2020 (theo Cơ quan thống kê Indonesia).

Một số nước kỳ vọng RCEP sẽ được phê chuẩn trong năm 2021. Một khi có hiệu lực, RCEP được cho là sẽ làm gia tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia thêm 0,05% vào năm 2032.

Vì RCEP cũng bao gồm cả đầu tư nên Indonesia cũng kỳ vọng sẽ được chứng kiến các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ ồ ạt vào nước này.

Ngoài ra, việc RCEP được thiết lập gần đây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thu hút nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực hội nhập kinh tế bởi hiệp định sẽ trở thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, vượt cả EU và Hiệp định USMCA.

Nam Á đang bị lãng quên?

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng nếu RCEP là sự phát triển mới nhất trong chủ nghĩa khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, thì Nam Á bị tụt lại phía sau trong khía cạnh này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) ở Kathmandu (Nepal) năm 2014, các nhà lãnh đạo đã nhắc lại cam kết đạt được mục tiêu liên minh kinh tế thông qua một khu vực thương mại tự do, liên minh hải quan, thị trường chung và liên minh tiền tệ.

Tuy nhiên, tiến trình này đã không đạt được tiến bộ nào đáng kể, được phản ánh bởi sự bế tắc trong Hiệp định thương mại tự do Nam Á gắn liền vớiSAARC.

Nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối Nam Á bị cản trở bởi những vấn đề kinh tế cố hữu như thiếu cam kết chính trị từ các nước lớn của khu vực và sức ép từ các nước nhỏ hơn để giải quyết tình trạng bế tắc. Trong khi đó, sự tương đồng về lợi thế so sánh không khuyến khích tính bổ sung về thương mại giữa các nước trong khu vực.

Các nước Nam Á ít khác biệt hơn về nguồn tài nguyên. Họ đều là những nền kinh tế dồi dào lao động và dựa vào nông nghiệp và cạnh tranh với nhau trong các sản phẩm sử dụng nhiều lao động và hàng hóa cơ bản.

Các nước Nam Á có mục tiêu cốt lõi là xóa bỏ đói nghèo trong khu vực kể từ khi SAARC được hình thành cách đây hơn ba thập kỷ. Điều này được bổ sung bởi ý tưởng về một khu vực thương mại tự do để đạt được mục tiêu này.

Bổ sung động lực để đạt được tham vọng này, các nước Nam Á cần thúc đẩy lên một mức độ hội nhập kinh tế cao hơn, chẳng hạn như liên minh hải quan hay thị trường chung.

Những động thái này giúp tự do hóa không chỉ thương mại hàng hóa mà còn thúc đẩy dòng vốn, công nghệ và nguồn nhân lực của khu vực, trong đó có việc làm hài hòa các cơ chế thuế quan.

Kết quả là sẽ hình thành nên một thị trường khu vực chung thông qua quy mô các nền kinh tế trong sản xuất và đầu tư. Dù vậy, nếu không phá vỡ được thế bế tắc trong chủ nghĩa khu vực ở Nam Á đã tồn tại trong 6 năm qua, những tiến bộ này sẽ không thể đạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục