Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giảm thất nghiệp có hiệu quả?

Việc bơm tiền của ngân hàng trung ương, được cho là nhằm giúp người lao động cải thiện mức sống của họ, nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng lại làm suy yếu nguồn tiền tiết kiệm.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tạp chí Eurasia Review, một số chuyên gia cho rằng chìa khóa đối với tăng trưởng kinh tế là củng cố thị trường lao động, dựa trên quan điểm rằng nếu số lao động thất nghiệp giảm thì sẽ có thêm nhiều cá nhân có khả năng chi tiêu, kết quả là tăng trưởng kinh tế khởi sắc.

Tuy nhiên, có một thực tế là động lực chính của tăng trưởng là nguồn tiền tiết kiệm của nền kinh tế, chứ không phải tình trạng của thị trường lao động. Do đó, việc khắc phục tình trạng thất nghiệp mà không giải quyết vấn đề tiết kiệm sẽ không thể làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Khắc phục tình trạng thất nghiệp chỉ là điều kiện cần

Nguồn tiền tiết kiệm sẽ tài trợ cho việc tăng cường và mở rộng cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng được nâng cao và mở rộng cho phép gia tăng sản xuất hàng hóa và dịch vụ cần thiết để duy trì và thúc đẩy cuộc sống và hạnh phúc của các cá nhân.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì việc loại bỏ thất nghiệp bằng cách tạo ra các chương trình việc làm sẽ là hợp lý. Ví dụ, các nhà hoạch định chính sách có thể làm theo lời khuyên của chuyên gia kinh tế John Maynard Keynes và tuyển dụng các lao động để đào các con kênh hoặc các hoạt động khác do chính phủ tài trợ nhằm mục đích tuyển dụng càng nhiều lao động càng tốt.

Vì chính phủ không tạo ra của cải, nên họ sẽ phải chuyển tiền tiết kiệm từ những người tạo ra của cải sang các cá nhân khác nhau được tuyển dụng trong các chương trình này để tài trợ cho các chương trình việc làm. Sự chuyển hướng của cải này được tài trợ bởi việc áp các khoản thuế hoặc bằng cách tạo ra tiền tệ.

Tuy nhiên, chính sách này làm cạn kiệt nguồn tiền tiết kiệm. Điều này làm suy yếu quá trình tạo ra của cải và do đó làm suy yếu triển vọng tăng trưởng kinh tế thật sự.

[Kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện rõ hơn]

Trên thực tế, tình trạng thất nghiệp có thể được khắc phục tương đối dễ dàng nếu thị trường lao động không bị can thiệp. Trong một thị trường lao động như vậy, bất kỳ cá nhân nào muốn làm việc đều có thể tìm được một công việc với mức lương phù hợp với kỹ năng của mình.

Nếu ai đó yêu cầu một mức lương không liên quan đến thị trường và không sẵn sàng chuyển đến các địa điểm khác, không có gì đảm bảo rằng anh ta sẽ tìm được việc làm. Ví dụ, nếu mức lương thị trường cho một người thợ làm bánh là 80.000 USD/năm nhưng anh ta đòi mức lương lên tới 500.000 USD thì chắc chắn anh ta sẽ thất nghiệp.

Theo thời gian, thị trường lao động tự do sẽ đảm bảo rằng mọi công nhân đều có thu nhập phù hợp với giá trị của sản phẩm mà họ tạo ra. Bất kỳ sự sai lệch nào so với giá trị đóng góp của anh ta sẽ tạo ra các lực lượng cạnh tranh được hiệu chỉnh.

Cuối cùng, điều quan trọng đối với hạnh phúc của các cá nhân không phải là họ được tuyển dụng, mà chính là sức mua đối với hàng hóa và dịch vụ mà họ kiếm được. Khả năng kiếm tiền của các cá nhân phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mà họ sử dụng. Cơ sở hạ tầng càng tốt thì một cá nhân có thể tạo ra nhiều sản lượng hơn và sản lượng cao hơn có nghĩa là một công nhân hiện có thể yêu cầu mức lương cao hơn.

Việc bơm tiền của ngân hàng trung ương, được cho là nhằm giúp người lao động cải thiện mức sống của họ, nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng lại làm suy yếu nguồn tiền tiết kiệm.

Điều này ngược lại làm suy yếu khả năng tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng của những người tạo ra của cải. Kết quả là năng suất của người lao động phải chịu áp lực và khả năng yêu cầu mức lương cao hơn của họ yếu đi. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ nới lỏng sau một thời gian làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ, do đó, làm xói mòn thêm sức mua từ thu nhập của người lao động.

Cái giá của việc khắc phục tình trạng thất nghiệp

Một khi nền kinh tế rơi vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hầu hết các nhà bình luận kinh tế cho rằng nhiệm vụ của chính phủ và ngân hàng trung ương là phải vào cuộc để chống lại sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Họ tin rằng việc giảm tỷ lệ thất nghiệp sẽ không mất chi phí do những người thất nghiệp đang nhàn rỗi.

Tuy nhiên, làm thế nào để tài trợ cho việc giảm tỷ lệ thất nghiệp? Ai sẽ trả tiền cho việc này? Có vẻ như các nhà bình luận kinh tế tin rằng các ngân hàng trung ương có thể dễ dàng tài trợ bằng việc in tiền.

Mặc dù vậy, hoàn toàn trái ngược với nhận định trên, việc tài trợ không phải là vấn đề tiền mà chính là vấn đề tiết kiệm hay việc lượng hàng tiêu dùng được sản xuất ít hơn số hàng được tiêu thụ bởi những người sở hữu hàng hóa.

Để duy trì cuộc sống và hạnh phúc của mình, thứ mà mọi người dân mong muốn là hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng, chứ không phải tiền bạc, vốn chỉ là một phương tiện trao đổi. Tiền chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa những người sản xuất - nhưng lại không trực tiếp tạo ra bất kỳ hàng hóa thực tế nào.

Theo bài viết, việc tạo ra những việc làm "ảo" như đào mương không phải hoàn toàn không mất chi phí. Nhiều cá nhân khác nhau làm việc trong các dự án không tạo ra của cải vật chất vẫn phải được trả lương. Vì chính phủ không sản xuất ra của cải nên hiển nhiên sẽ không thể tiết kiệm và do đó cũng không thể tài trợ cho bất kỳ hoạt động nào.

Do đó, để tham gia vào các hoạt động khác nhau, chính phủ phải chuyển hướng tài trợ, ví dụ tăng cường tiết kiệm từ những người tạo ra của cải. Tuy nhiên, điều này làm suy yếu quá trình tạo ra của cải.

Sự ngụy biện của lý thuyết nhu cầu không đủ

Bất cứ khi nào nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng cần phải thúc đẩy nhu cầu tổng thể về hàng hóa và dịch vụ để ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nếu khu vực tư nhân không thể tăng nhu cầu của mình, thì chính phủ phải làm điều đó.

Theo nhà kinh tế học Keynes, hầu hết các chuyên gia đều gắn vấn đề tăng trưởng kinh tế với sự gia tăng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, không bao giờ có cái gọi là cung không đủ cầu. Nhu cầu của một cá nhân bị hạn chế bởi khả năng sản xuất hàng hóa của anh ta và một cá nhân càng sản xuất được nhiều hàng hóa thì anh ta càng có thể đòi hỏi nhiều thứ hơn.

Một cá nhân càng sản xuất nhiều hàng hóa thì càng có nhiều hàng hóa khác mà anh ta có thể đảm bảo cho chính mình. Do đó, nhu cầu của một cá nhân bị hạn chế bởi khả năng sản xuất ra thứ gì đó của chính họ.

Chúng ta biết rằng nhu cầu không thể tự tồn tại và độc lập - nó bị giới hạn bởi sản xuất. Do đó, sản xuất hàng hóa và dịch vụ thúc đẩy nền kinh tế. Vì thế, người sản xuất, chứ không phải người tiêu dùng, là động cơ của tăng trưởng kinh tế, và nếu muốn thành công, người sản xuất phải sản xuất hàng hóa và dịch vụ phù hợp với những gì người sản xuất khác yêu cầu.

Ví dụ, nếu một nhóm gồm 5 cá thể sản xuất ra 10 củ khoai tây và 5 quả cà chua, thì đây là tất cả những gì họ có thể yêu cầu và tiêu thụ. Không có cách nào mà chính phủ và ngân hàng trung ương có thể làm tăng nhu cầu hiệu quả của họ. Cách duy nhất để nâng cao khả năng tiêu thụ nhiều hơn là sản xuất nhiều hơn.

Không thể xóa bỏ sự phụ thuộc của cầu vào sản xuất hàng hóa bằng các biện pháp bơm tiền và chi tiêu của chính phủ. Ngược lại, các chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo sẽ chỉ làm nghèo đi những người tạo ra của cải và làm suy yếu khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của họ, dẫn tới làm suy yếu nhu cầu hiệu quả.

Do đó, phục hồi nền kinh tế đòi hỏi phải "bịt kín" mọi kẽ hở tạo ra tiền từ "vùng không khí loãng" và hạn chế chi tiêu của chính phủ. Điều này sẽ cho phép những người tạo ra của cải phục hồi nền kinh tế bằng cách cho phép họ sản xuất nhiều hàng hóa hơn.

Có thể nói, giảm tỷ lệ thất nghiệp không phải là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm của tăng trưởng kinh tế là nguồn tiết kiệm ngày càng mở rộng, vốn được coi là công cụ để mở rộng và nâng cao cơ cấu sản xuất. Cơ cấu sản xuất được mở rộng và nâng cao có thể bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục