Thúc đẩy sự an toàn và công bằng cho lao động di cư khu vực ASEAN

Tại hội nghị lần thứ 17 Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, IPO và IOM nhất trí tăng cường ngăn chặn buôn bán người và bóc lột lao động.
Hội nghị Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, từ ngày 24-25/9 tại thành phố Luang Prabang, tỉnh Luang Prabang (Bắc Lào) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 17 Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW), dưới sự chủ trì của ông Lylayphong Sisomvang, Vụ trưởng vụ Kế hoạch và hợp tác quốc tế thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào.

Tham dự Hội nghị có Ban Thư ký ASEAN; các nước thành viên ASEAN là điểm điều phối ACMW; đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cùng các đối tác tài trợ gồm Australia, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Timor Leste tham dự với tư cách quan sát viên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem xét kết quả đánh giá việc tổ chức thực hiện Đồng thuận ASEAN, cho thấy có những tiến bộ vững chắc và nỗ lực ngày càng tăng trong việc thực hiện cam kết Đồng thuận ASEAN; thảo luận về Tuyên bố ASEAN về bảo vệ lao động di cư mới đây, như Tuyên bố ASEAN về đảm bảo lợi ích an sinh của lao động di cư trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về bảo vệ lao động di cư và các thành viên gia đình trước tình trạng khủng hoảng; Tuyên bố ASEAN về bố trí, bảo vệ và quản lý ngư dân di cư; Dự thảo Tuyên bố về di cư lao động, công nhận và phát triển kỹ năng trong ASEAN, do Lào thúc đẩy trong thời gian Lào là Chủ tịch ASEAN; đồng thời triển khai các phương hướng liên quan để biến các cam kết thành hành động thực tế.

Bên cạnh đó, hội nghị đã rà soát lại việc thực hiện các dự án đã quy định trong Kế hoạch ASEAN 2018-2025; xem xét lại việc công bố Báo cáo hình ảnh âm thanh (AVP) mới đây của Hội nghị tuyên truyền về di cư lao động an toàn và công bằng trong ASEAN, do Philippines chủ trì tổ chức hồi tháng 7/2024 vừa qua.

Hoạt động này được EU hỗ trợ thông qua đối thoại khu vực EU-ASEAN và ILO, cung cấp công cụ giáo dục nâng cao nhận thức cho lao động di cư hiện nay và trong tương lai có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về di cư, trước khi di cư và sau khi di cư đến nơi, để chuẩn bị tốt hơn cho việc di cư và bảo vệ, quản lý họ trước mọi hình thức bóc lột.

Tại hội nghị, đại diện IPO và IOM nhất trí rà soát và tiếp tục điều chỉnh quan hệ đối tác, nghiên cứu các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong tương lai, bao gồm tăng cường nỗ lực ngăn chặn buôn bán người và bóc lột lao động đối với lao động quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự an toàn và công bằng của việc di cư trong khu vực./.

Tin cùng chuyên mục