Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang

Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang Hà Nội” giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang ảnh 1Các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng các tiêu chí từng giai đoạn từ quá trình sản xuất, sản phẩm, hàng hóa, hệ thống phân phối. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ngày 16/12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông tổ chức Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang thành phố Hà Nội năm 2021.”

Chương trình tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may, thời trang trên địa bàn Hà Nội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Đại diện Ban tổ chức, cho biết dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, đảm bảo sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, Sở Công Thương Hà Nội ban hành tiêu chí Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang thành phố Hà Nội năm 2021.”

[Giai đoạn quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp dệt may]

Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống tham gia phải đáp ứng các tiêu chí từng giai đoạn từ quá trình sản xuất, sản phẩm, hàng hóa, hệ thống phân phối.

Chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may, thời trang thành phố Hà Nội năm 2021 hứa hẹn mang cho các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với ngành dệt may, thời trang.

Thông qua đó, thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Chương trình diễn ra từ 16/12 đến 18/12 tại Trung tâm thương mại Melinh Plaza Hà Đông - Lô II, khu hành chính mới phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội.

Bên cạnh việc trưng bày truyền thống, Ban tổ chức Chương trình đã chuyển đổi phương thức tổ chức kết hợp giữa trưng bày trực tiếp và trực tuyến cho phù hợp với tình hình mới.

Chương trình sẽ tổ chức trưng sản phẩm của trên 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt may, thời trang (từ ngày 16/12-18/12) và triển lãm trực tuyến tại địa chỉ http://www.tdbvhn.vr-worldexpo.com đến ngày 30/12.

Về tiêu chí nguyên vật liệu sử dụng, hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong thành phần nguyên liệu thấp hơn mức giới hạn theo Quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương.

Về quá trình sản xuất, có hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng ISO 9001, quản lý môi trường ISO 14001, 5S; quá trình tổ chức sản xuất phải tuân thủ Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ, đảm bảo điều kiện an toàn lao động và môi trường lao động; có giải pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải trong sản xuất;

Về sản phẩm hàng hóa, nhãn mác sản phẩm đầy đủ các thông tin: Thành phần nguyên liệu, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, năm sản xuất, nơi sản xuất theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ; sản phẩm công bố hợp quy (CR) theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT ngày 26/4/2018 của Bộ Công Thương; chất lượng đảm bảo một trong các quy chuẩn xuất khẩu của khách hàng: Oeko-tex Standard 100; Wrap, GRS, TUV, TCCS…

Về hệ thống phân phối, có quy trình nhập hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi nhập kho; thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nước trong hệ thống phân phối; Có giải pháp giảm phát thải bao bì, túi nhựa, nylon; thay thế dần bằng bao bì, túi thân thiện với môi trường.

Về tiêu dùng, khách hàng mua sản phẩm Xanh được tích điểm của hệ thống phân phối. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục